Trong buổi sinh hoạt chào cờ sáng ngày 19/1/2015, với chủ đề của chương trình hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp tháng 1 – Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thầy trò trường Trung học Thực hành Sài Gòn đã có buổi giao lưu gần gũi và đầy ý nghĩa với nữ NSUT Thanh Ngân với chủ đề “Đờn ca tài tử - Viên ngọc sáng văn hóa Phương Nam”
Đờn ca tài tử Nam bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012 và được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tháng 12 năm 2013. Đờn ca tài tử hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ. Đây là một loại hình nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động, từ nhu cầu của cộng đồng, phản ánh suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của những người dân mở đất phương Nam - vùng miệt vườn, sông nước, với lối sống cần cù, phóng khoáng, cởi mở, bình dị mà nghĩa hiệp, can trường.
Bộ rễ của đờn ca tài tử đã cắm rất sâu, rất rộng trong tâm hồn người phương Nam. Nó đã trở thành máu, thành thịt trong sự thể hiện và thưởng ngoạn văn hóa văn nghệ của người phương Nam. Ai sinh ra từ đồng bằng sông Cửu Long cũng có thể ca được một vài câu vọng cổ, một vài câu Phụng cầu hoàng dù biết rằng mình ca không hay. Ai cũng có thể viết ra được những bài mới, những nội dung mới cho sinh hoạt đờn ca tài tử. Đi nghe một sân chơi đờn ca tài tử ở phía Nam hôm nay, người nghe có thể thú vị với những đề tài, nội dung mới như kế hoạch hóa gia đình, phê phán thói đánh vợ, cách nuôi tôm, cá tra, làm lúa, trồng khóm đạt hiệu quả. Một loại hình văn hóa văn nghệ phổ biến đại trà, đều khắp, gần gũi đời sống nhân dân như vậy có sức sống bền bỉ, mãnh liệt
Đờn ca tài tử chính là tâm hồn của phương Nam, trí tuệ dân gian của phương Nam. Hai mươi mốt tỉnh thành phố phía Nam đang giữ gìn, phát huy, bảo vệ giá trị văn hóa này. Giá trị nhân văn của nó nằm ở chỗ thể hiện trung thực cảm xúc của con người, hướng con người đến chân, thiện, mỹ mà hoàn toàn không vụ lợi. Ta có thể xem nó là ngọc sáng văn hóa của Nam Bộ, một giá trị vĩnh cửu.
Để giới thiệu và đem loại hình nghệ thuật truyền thống đặc biệt này đến gần thanh thiếu niên trong nhà trường, Ban giám hiệu trường đã chỉ đạo cho bộ phận Đoàn Đội tổ chức buổi giao lưu với NSUT Thanh Ngân.
Tại buổi giao lưu, NSUT Thanh Ngân đã trải lòng chia sẻ về cái “duyên” đến với con đường nghệ sĩ của cô, về những vui buồn, những thăng trầm và có những vinh quang mà cô đã có được trong suốt 23 năm đứng trên sân khấu cũng như niềm đam mê đối với loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử mà ta còn gọi là viên ngọc sáng văn hóa Nam Bộ.
Với tình cảm và cách thể hiện chân tình của một người con vùng đất đồng bằng sông Cửu Long, với tiếng hát ngọt ngào, trong trẻo thắm đượm tình cảm mà cô truyền tải trong từng lời ca của nhạc phẩm “Dạ cổ hoài lang”, cô đã làm rung động trái tim yêu nghệ thuật truyền thống của cả thầy và trò trong trường Thực hành Sài Gòn.
Đặc biệt hơn cả, không chỉ giới thiệu về nghệ thuật Đờn ca tài tử mà cô còn dặn dò các bạn học sinh nhỏ tuổi không ngừng chăm chỉ học hành vừa thỏa niềm đam mê nghệ thuật vừa lĩnh hội tri thức để xây dựng con đường sự nghiệp vững chắc trong tương lai.
NSUT Thanh Ngân dành thời gian quý báu để đến đây chia sẻ về Đờn ca tài tử - là vốn quý phương Nam, là viên ngọc sáng của văn hóa Nam bộ , những chia sẻ chân tình của nghệt sỹ đã tiếp thêm niềm yêu thích văn hóa truyền thống trong lòng các bạn học sinh.
Để bày tỏ tấm lòng cám ơn sâu sắc, thầy trò trường THTH Sài Gòn có món quà nhỏ muốn gửi đến cô đó là bó hoa tươi thắm, cũng là lời chúc sức khỏe và lời chúc cho sự nghiệp và tên tuổi của NSUT Thanh Ngân sẽ mãi luôn tỏa sáng trong lòng người hâm mộ.