Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, trải qua 15 năm chuẩn bị với biết bao máu xương của các chiến sĩ và đồng bào cả nước, Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ dưới ách thực dân, vươn lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh quốc gia, dân tộc. Song, do tham vọng của các thế lực đế quốc, thực dân, nền độc lập của dân tộc Việt Nam một lần nữa lại bị xâm phạm. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp trở lại nổ súng xâm lược nước ta. Đáp lại lời kêu gọi của non sông, của chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta với truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất vì độc lập tự do, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng lên thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc.
Từ năm 1945 đến năm 1953, sau 8 năm trở lại xâm lược Việt Nam và liên tục thất bại, Pháp bị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 39 vạn quân và tiêu tốn hơn 2.000 tỉ Franc, vùng chiếm đóng bị thu hẹp, quân Pháp trên chiến trường bị đẩy vào thế bị động ngày càng sâu sắc và ngày càng lệ thuộc vào Mĩ. Ngày 7/5/1953, với sự thoả thuận của Mĩ, Chính phủ Pháp cử tướng Na-va sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Na-va đã đề ra kế hoạch chiến lược mới với hi vọng trong vòng 18 tháng sẽ giành thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”.
Kế hoạch quân sự Na-va là một kế hoạch dựa trên sự nỗ lực cao nhất của Chính phủ Pháp và sự viện trợ lớn nhất của Mĩ với quyết tâm “chuyển bại thành thắng”. Để thực hiện kế hoạch trên, Na-va cho tập trung một lực lượng cơ động mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ (lên đến 44 tiểu đoàn trong tổng số 84 tiểu đoàn ở Đông Dương) nhằm quyết chiến với quân chủ lực của ta. Việc tập trung quân ở đồng bằng Bắc Bộ được xem là “xương sống” của kế hoạch quân sự Na-va.
Về phía ta, sau tám năm kháng chiến và kiến quốc, lực lượng kháng chiến của nhân dân ta ngày càng lớn mạnh. Để bẻ gãy “xương sống” của kế hoạch Na-va, cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp bàn kế hoạch quân sự Đông - Xuân 1953 - 1954, nhấn mạnh phương châm: “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến là: “tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt, chọn nơi địch sơ hở và nơi tương đối yếu mà đánh, giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng”.
Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, trong Đông - Xuân năm 1953-1954, quân ta mở một loạt các đòn tiến công chiến lược ở hầu khắp chiến trường Đông Dương: Tây Bắc, Trung Lào, Tây Nguyên, Thượng Lào,… khiến địch không thể tập trung quân ở đồng bằng Bắc Bộ mà phải phân tán lực lượng đối phó với ta ở những điểm xung yếu. Đến đây, “xương sống” của kế hoạch Na-va bị bẻ gãy.
Ngày 20/11/1953, sau khi phát hiện bộ đội chủ lực của ta thuộc các sư đoàn 316, 304, 308, 312 di chuyển lên Tây Bắc, Na-va thực hiện cuộc hành quân Hải Li, cho 6 tiểu đoàn lính Âu-Phi nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Đây là cuộc hành quân không nằm trong kế hoạch Na-va. Khi đến Điện Biên Phủ, các tướng tá Pháp - Mĩ nhận thấy, Điện Biên Phủ là một địa bàn rất quan trọng, nằm giữa cánh đồng Mường Thanh (Tây Bắc Việt Nam), xung quanh có núi bao bọc, nơi dân đông, gạo nhiều, là ngã năm quốc tế của các dân tộc Việt, Lào, Miên, Thái, Hoa. Với vị trí địa lí của Điện Biên Phủ, về lâu dài Pháp muốn biến nơi đây thành một căn cứ lục quân và không quân có tác dụng lợi hại trong âm mưu xâm lược Đông Nam Á. Để thực hiện ý đồ đó, Pháp cho xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, giăng một cái bẫy để dụ đối phương vào tròng. Đến đây, Điện Biên Phủ trở thành tâm điểm của kế hoạch Na-va.
Tập đoàn cứ điểm Điện biên Phủ được xây dựng với 49 cứ điểm có khả năng phòng ngự mạnh, chia thành 3 phân khu: phân khu phía Bắc, phân khu Trung tâm Mường Thanh, và phân khu Hồng Cúm ở phía Nam. Tổng số binh lực ở đây vào lúc cao nhất là 16.200 quân, gồm 12 tiểu đoàn, 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiều đoàn công binh, 1 phi đội 12 máy bay thường trực. Các tướng lĩnh quân sự Pháp đã đến tận nơi kiểm tra đều thống nhất đánh giá tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một “pháo đài khổng lồ không thể công phá”, “một vec-đoong của thế kỉ XX”, một “con nhím thép khổng lồ” giữa núi rừng Tây Bắc. Chúng ngạo mạn tuyên bố rằng: nếu bộ đội Việt Nam đánh lên Điện Biên Phủ sẽ không tránh khỏi bị nghiền nát.
Về phía ta, trong kế hoạch Đông - Xuân 1953 -1954, Bộ Chính trị đã nhận định: đánh quân Pháp ở đồng bằng là điều khó, vì địa hình trống trải, hỏa lực của quân địch mạnh, nên ta phải dụ quân địch vào vùng rừng núi mà tiêu diệt, hoặc cầm chân chúng ở rừng núi để tấn công vào đồng bằng. Vì vậy, việc quân Pháp nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên là nằm trong dự kiến và mong muốn của ta, là thời cơ thuận lợi để ta tiêu diệt quân địch. Như vậy, muốn kết thúc chiến tranh, ta phải tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Tháng 12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở đây, giải phóng vùng Tây Bắc, tạo điều kiện cho Lào giải phóng Bắc Lào, biến Điện Biên Phủ thành điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và địch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch.
Căn cứ vào tình hình giữa ta và địch, trước mắt chúng ta chuẩn bị đánh Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”. Tuy nhiên, trong khi ta gấp rút chuẩn bị cho chiến dịch thì Na-va cũng ráo riết củng cố Điện Biên Phủ thành tập đoàn mạnh nhất Đông Dương, liên tiếp tăng cường lực lượng, xây dựng trận địa, tổ chức phòng ngự kiên cố, do đó, đánh theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sẽ không chắc thắng. Vì vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển sang đánh theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị phê chuẩn. Trung ương Đảng cũng nhận định rõ: Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh nhưng thế yếu của quân địch ở đây là dễ bị cô lập, chỉ tiếp tế được bằng đường hàng không. Trong khi đó, quân đội ta đã trưởng thành và có kinh nghiệm có thể đánh địch ở tập đoàn cứ điểm, hậu phương của ta đã vững mạnh, có thể khắc phục những khó khăn đảm bảo chi viện cho chiến trường.
Lực lượng quân đội ta tham gia chiến dịch gồm có 4 đại đoàn bộ binh (316, 304, 308, 312), 1 đại đoàn công pháo 351, các tiểu đoàn công binh, các đơn vị thông tin, vận tải, quân y… tổng số quân khoảng 55 000 người. Dân công hỏa tuyến gồm 260 000 người với trên 11 triệu ngày công. Phương tiện vận chuyển gồm 628 ôtô, 11 800 thuyền, hơn 20 000 xe đạp thồ và hàng ngàn phương tiện vận chuyển thô sơ khác.
Hàng chục ngàn tấn vũ khí đạn dược, 27 000 tấn gạo, hơn 1 800 tấn thịt đã được chuyển ra mặt trận. Riêng đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc đã đóng góp được 7 310 tấn gạo, 389 tấn thịt,
31 818 dân công với 1 296 075 ngày công.
Để đảm bảo chiến thắng, chúng ta phải đào hào lấn sâu vào đồn địch, xây dựng được những trận địa pháo kiên cố, ngụy trang tốt, nghi binh giỏi, chuyển quân vào trận địa an toàn và bí mật, giấu kín được mọi hoạt động quân sự. Lần đầu tiên ở Việt Nam và cũng là rất hiếm ở trên thế giới, ta cho kéo pháo lên núi cao, từ hầm trú ẩn chĩa pháo thẳng xuống đầu kẻ địch mà áp chế. Với cách đánh này, ta vừa bảo vệ được pháo, tránh được sát thương do pháo mà máy bay địch gây ra, vừa nâng cao được uy lực và mức chính xác cao. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chủ trương bao vây và tiến công tập đoàn cứ điểm bằng một hệ thống hàng trăm ki-lô-met hầm hào để bộ đội ta tiến vào trận địa ở dưới mặt đất, nhằm tránh thương vong, từng bước siết chặt chiếc “thòng lọng” vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Tháng 3/1954, trong khi cả tiền tuyến và hậu phương của ta đều dốc sức người, sức của và tinh thần cho chiến dịch Điện Biên Phủ, hoàn tất việc chuẩn bị và sẵn sàng nổ súng thì quân Pháp vẫn chủ quan cho rằng quân ta không còn khả năng tiến công nữa nên đã ra lệnh mở cuộc hành quân At-lăng đánh vào vùng tự do Liên khu V nhưng bị thất bại nặng nề. Giữa lúc đó, quân ta được lệnh tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch bắt đầu, đây là chiến dịch đánh công kiên có tính chất trận địa, quy mô rất lớn, gồm một loạt trận chiến đấu công kiên, tiếp diễn trong thời gian khá dài, tập trung ưu thế binh lực tiêu diệt từng bộ phận địch, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm.
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra với 3 đợt:
Đợt 1 (từ ngày 13/3/1954 đến ngày 17/3/1954):
17giờ 5 phút ngày 13/3/1954, khi tướng Cô-nhi – Chỉ huy trưởng miền Bắc Đông Dương của Pháp vừa rời Điện Biên Phủ được vài giờ, thì pháo binh của ta đã rót đạn như mưa xuống cụm Him Lam, sau đó bộ binh ta xung phong tấn công vào đồn giặc. Đại đoàn 312 đã tiêu diệt cụm Him Lam lúc 23 giờ, tiêu diệt 300 tên địch, bắt sống 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang thiết bị chiến tranh.
Nhiệm vụ tiến công đồi Độc Lập được giao cho Trung đoàn trưởng 165 Lê Thúy (Đại đoàn 312) và Trung đoàn trưởng 88 Nam Hà (Đại đoàn 308) dưới quyền chỉ huy của Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ. Cả lựu đạn và sơn pháo của ta cùng hỗ trợ cho bộ đội vào sâu bên trong, giành giật với địch từng ụ súng, từng căn hầm, từng đoạn chiến hào. Mờ sáng ngày 15/3/1954, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của ta đã được cắm trên đỉnh đồi Độc Lập, các Trung đoàn 165 và Trung đoàn 88 đã tiêu diệt Tiểu đoàn lính Bắc Phi với 483 tên, bắt 200 tù binh, còn Tư lệnh pháo binh Pháp Pi-rôt đã nổ lựu đạn tự sát vào đêm 15/3.
Ngày 16/3, một tiểu đoàn dù sừng sỏ của Pháp từ Nam Lào vội vã rút về nhảy xuống tăng viện cho Điện Biên Phủ. Trong khi đó, quân địch ở đồn Bản Kéo đã nhận được thư của ta “toàn bộ binh sĩ ở Bản Kéo hãy ra hàng để tránh bị tiêu diệt”. Chiến thuật “đánh vào lòng người” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đạt được kết quả. Sáng ngày 17/3/1954, đồn Bản Kéo của địch rã ngũ. Trung đoàn 36 của ta không cần nổ súng đã chiếm được Bản Kéo. Phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị xóa sổ hoàn toàn. Từ ngày 27/3/1954 trở đi, máy bay Pháp không thể hạ cánh được xuống sân bay Điện Biên Phủ.
Như vậy, sau đợt 1, quân ta đã tiêu diệt các cứ điểm Him Lam và toàn bộ phân khu Bắc, loại khỏi vòng chiến đấu gần 2 000 địch. Tướng Cô-nhi đã phải kêu lên: “Điện Biên Phủ thật là cái bẫy cho quân Pháp”.
Đợt 2 (từ ngày 30/3/1954 đến ngày 26/4/1954): đây là đợt tiến công quan trọng, lâu dài và đẫm máu nhất.
Mở đầu chiến dịch, ta đánh từng cứ điểm đề kháng của địch, đánh vào khu vực nhiều tiểu đoàn ở nhiều cao điểm quan trọng trong lòng chảo Mường Thanh, đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm Mường Thanh như A1, D1, C1, E1,…
Đại đoàn 312 của Tư lệnh Lê Trọng Tấn có nhiệm vụ tiêu diệt các cao điểm E, D1, D2.
Đại đoàn 316 của Tư lệnh Lê Quảng Ba có nhiệm vụ tiêu diệt cao điểm A1, C1, C2.
Đại đoàn 308 của Tư lệnh Vương Thừa Vũ dùng hỏa lực kiềm chế pháo binh địch ở Tây Mường Thanh, tiến công cứ điểm 106, 311, đồng thời đánh thọc sâu vào Đông Mường Thanh, tiêu diệt trận địa pháo của địch và phối hợp với Trung đoàn 98 của Đại đoàn 316 tiêu diệt lực lượng dù cơ động của địch.
Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304 phối hợp với tiểu đoàn pháo 888 Đại đoàn 316 kiềm chế các trận địa pháo binh địch ở Hồng Cúm, chặn quân tiếp viện địch từ Hồng Cúm lên Mường Thanh, đánh quân nhảy dù ở xung quanh và phía sau Hồng Cúm.
Đại đoàn pháo 351 của Tư lệnh Đào Văn Trường được lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh trực tiếp yểm hộ bộ binh tiến công vào các cứ điểm A1, D1, C1, E1, áp chế pháo binh địch, tiêu diện lực lượng cơ động địch ở phía Đông Mường Thanh.
Trung đoàn pháo cao xạ 367 có nhiệm vụ khống chế bầu trời, yểm trợ đắc lực cho bộ binh và pháo binh mặt đất chiến đấu cả ngày và đêm.
Sau khi đào hàng trăm km hào giao thông bao quanh khu trung tâm, 17 giờ 30 phút ngày 30/3/1954, pháo binh ta rót như mưa xuống các cụm E1, C1, D1, D2. Sáng ngày 31/3/1954, ta chiếm đồi E1, C1, D1, D2 và 2/3 đồi A1, bao vây, chia cắt, khống chế địch. Sau đó, quân Pháp phản công chiếm lại đồi A1. Tính đến ngày 22/4/1954, ta chiếm các cứ điểm 311, 105, 206 và làm chủ sân bay Mường Thanh. Ngày 24/4, quân Pháp phản công lấy lại sân bay nhưng thất bại.
Sau đợt này, Mĩ khẩn cấp viện trợ cho Pháp và đe dọa ném bom nguyên tử xuống Điện Biên Phủ. Phía ta kịp thời khắc phục những khó khăn về tiếp tế, nâng cao quyết tâm giành thắng lợi.
Đợt 3 (từ ngày 1/5/1954 đến ngày 7/5/1954):
Trong đợt này, quân ta đồng loạt tiến công phân khu Trung tâm Mường Thanh và phân khu Nam, lần lượt tiêu diệt các cứ điểm đề kháng còn lại của địch. Ngày 2/5/1954, một tiểu đoàn quân dù nhảy xuống tăng viện cho Điện Biên Phủ. 18 giờ ngày 6/5/1954, hỏa tiễn của ta bất ngờ lần đầu tiên xuất hiện. 18 giờ 45 phút ngày 6/5/1954, một tấn bộc phá đã được bí mật đưa vào và làm nổ tung đồi A1, quân ta xung phong chiếm toàn bộ đồi A1, C2, cứ điểm 506,310, cầu Mường Thanh.
Ngày 7/5/1954, sức chiến đấu của quân Pháp hầu như tê liệt, quân ta lần lượt chiếm cứ điểm 507, 508, 509. 15 giờ cùng ngày, quân ta xung phong tràn ngập chiến trường.
Chiều ngày 7/5/1954, ta đánh vào Sở chỉ huy địch. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, tướng Đờ Castơri cùng toàn bộ Ban tham mưu địch bị bắt. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân đội ta phất phới tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Castơri. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn. Trận quyết chiến chiến lược của ta toàn thắng.
Ở Điện Biên Phủ, tổng số quân địch bị tiêu diệt và bắt sống là 16 200 tên, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn pháo binh, súng cối, 10 đại đội ngụy và các đơn vị công binh, xe tăng, xe vận tải, không quân…Tổng số sĩ quan bị tiêu diệt và bắt sống là 1 766 tên, trong đó có Thiếu tướng Đờ Castơri, 10 Đại tá và Trung tá, 353 sĩ quan, 57 máy may bị bắn rơi và bị phá hủy. Quân ta thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, cơ sở vật chất kĩ thuật của địch.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc oanh liệt cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954 của quân dân Việt Nam, đập tan kế hoạch quân sự Na-va của Pháp-Mĩ, làm sụp đổ niềm hi vọng của giới quân sự và chính trị ở Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta giành thắng lợi ở Giơ-ne-vơ năm 1954, buộc Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta, là đỉnh cao tiến tới kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại.
Chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ “đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa ở thế kỉ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là “tiếng chuông báo tử của chủ nghĩa thực dân”, là niềm hi vọng lớn lao và tươi sáng, là ngọn cờ cổ vũ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đứng lên đấu tranh mạnh mẽ để thủ tiêu chế độ thực dân, giành lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc.
Với chiến thắng Điện Biên Phủ, “Dân tộc ta có thể tự hào rằng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chúng ta đã chứng minh một chân lý vĩ đại. Chân lý đó là trong thời đại ngày nay một dân tộc thuộc địa bị áp bức, khi đã biết đứng dậy đoàn kết đấu tranh, kiên quyết chiến đấu cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội thì có đầy đủ khả năng để chiến thắng quân đội xâm lược hùng mạnh của một nước đế quốc chủ nghĩa. Điện Biên Phủ mãi mãi sẽ được ghi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc ta và của nhân dân các dân tộc trên thế giới”. Đó là những lời đúc kết của Tổng Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp – một vị tướng thiên tài với đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn, sáng tạo, đã đưa chiến dịch đến thắng lợi vẻ vang. Thống tướng Westmoreland, nguyên Tổng chỉ huy quân viễn chinh Mĩ trên chiến trường Đông Dương đã nói về Đại tướng với sự ngưỡng mộ và trọng thị: “Mọi đức tính tạo thành một thống lĩnh quân sự lớn, như sự quyết đoán, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung trí tuệ và hành động, trí thông minh, tất cả đều có ở tướng Giáp – một thống soái vĩ đại”. Còn nhà Sử học người Mỹ Cecil Currey đã nhận định: “Ông không chỉ chở thành huyền thoại mà có lẽ trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỉ XX và là một trong những thiên tài lớn nhất của mọi thời đại.”
Thực hành Sài Gòn, tháng 4/2014
TỔ LỊCH SỬ THỰC HIỆN
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CHIỀN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ NĂM 1954
Tướng De Castries và các sĩ quan Pháp đi thực địa tại Điện Biên Phủ
Quân viễn chinh Pháp nhảy dù xuống cứ điểm Điện Biên Phủ
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Bộ tư lệnh chiến dịch bàn bạc kế hoạch tác chiến
Đoàn xe thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ
Bộ đội ta kéo pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ
Thanh niên xung phong mở đường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Chiến sĩ Điện Biên – phút nghỉ ngơi giữa chiến hào
Tướng Đờ Ca-stri và toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng
Lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" tung bay trên nóc hầm tướng De Castries
Lính Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt
Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn huy hiệu cho chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh,
người bắt sống tướng De Castries trong Chiến dịch Điện Biên
Nhân dân chào đón bộ đội các đơn vị về tiếp quản Thủ đô ngày 10-10-1954