Ngày 28 tháng 12 năm 2018 vừa qua, các bạn học sinh khối 10 và 12 trường Trung học Thực hành Sài Gòn đã có chuyến tham quan và học tập thực tế bổ ích và thú vị tại Đồng Nai. Chuyến tham quan bên cạnh giúp các bạn có những trải nghiệm về kiến thức liên quan đến các bộ môn Lịch sử, Địa lý và hóa học, cũng vừa là hoạt động giúp các bạn giải tỏa căng thẳng sau một học kỳ học tập.
Từ sáng sớm, các bạn học sinh đã tập trung đông đủ tại trường để lên xe di chuyển tới Đồng Nai. Dù đường đi có hơi xa nhưng các bạn đều rất hào hứng. Trên xe các bạn được sinh hoạt các trò chơi tập thể, được hướng dẫn viên giới thiệu các địa điểm nổi bật trên đường đi giúp các bạn hiểu thêm về địa lý và lịch sử của vùng đất Đồng Nai. Sau gần 2 tiếng đồng hồ đi xe, đoàn đến với nhà máy thủy điện Trị An – Đồng Nai.
Nhà máy thủy điện Trị An được xây dựng trên sông Đồng Nai, đoạn chảy qua huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, cách Thành phố Hồ Chí Minh 65 km về phía Đông Bắc. Nhà máy được xây dựng với sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ của Liên Xô từ năm 1984, khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 1991 với 4 tổ máy, với tổng công suất thiết kế 400 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm 1,7 tỉ KWh. Đến nhà máy các bạn được đại diện ban vận hành nhà máy đón tiếp và hướng dẫn tham quan.
Tại sảnh chính, các bạn được ban vận hành giới thiệu tổng quát về lịch sử hình thành, quy trình vận hành phát triển của nhà máy, các công trình thủy điện của nhà máy… thông qua sơ đồ nhà máy tại sảnh.
Các bạn học sinh lắng nghe ban vận hành giới thiệu tổng quát về lịch sử hình thành, quy trình vận hành phát triển của nhà máy
Sau đó, các bạn vào tham quan phòng truyền thống để hiểu rõ hơn về lịch sử, hoạt động của nhà máy. Rời phòng truyền thống các bạn được ban vận hành hướng dẫn tham quan các công trình của nhà máy. Qua mỗi công trình, bộ phận, các bạn đều được giải thích rõ ràng nguyên lý hoạt động và liên hệ với các kiến thức thực tế mà các bạn đã được học từ sách vở.
Nơi đến thứ hai trong chuyến trải nghiệm đó là Khu di tích Khu ủy miền Đông Nam Bộ. Trước khi tham quan bên trong, các bạn học sinh vào dâng hương ở Nhà tưởng niệm các chiến sĩ và các vị lãnh đạo đã từng chiến đấu và làm việc tại đây. Những cuộc trò chuyện, những tiếng nói cười tạm gác lại để dành vài phút nghiêng mình tỏ lòng biết ơn và tri ân đến các thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.
Thầy cô và các bạn học sinh dâng hương tại nhà tưởng niệm các liệt sĩ
Đi bộ vài trăm mét, các bạn học sinh tiến vào khu vực chính của Khu ủy, các nhà ở, nhà làm việc, nhà quân y, khu bếp Hoàng cầm được kết nối với nhau bằng giao thông hào và địa đạo. Mọi người háo hức khám phá bên trong địa đạo xem có giống với địa đạo Củ Chi vang danh sử sách không. Địa đạo ở Khu ủy cao tầm 1m6 nên dễ di chuyển và đỡ ngộp hơn nên không làm khó gì mấy cho sự tò mò của các bạn.
Cùng nghe thuyết minh tại Hội trường Khu ủy
Các bạn cùng thử chui qua một đoạn hầm tại di tích Khu ủy
Sang đến bếp Hoàng Cầm mọi người lại nở trên môi những nụ cười khi nghe câu chuyện tình yêu của Bác phụ tá và Cô bếp thật đơn sơ và mộc mạc...
Tại Nhà quân y của Khu uỷ các bạn học sinh được nghe câu chuyện về việc cưa cánh tay của một chiến sĩ bằng cưa xẻ gỗ với liều thuốc tê là tiếng hát Quốc ca của chính mình để xoá tan cơn đau tan nát thịt da, xung quanh là tiếng khóc và những giọt nước mắt của các bác sĩ, y tá... Hay câu chuyện về một chiến sĩ bị thương biết mình sắp không qua khỏi nên nói với các bác sĩ hãy để dành bông băng và thuốc cho các đồng chí khác…v.v.cảm xúc thật khó diễn tả
Các bạn học sinh nghe thuyết minh về nhà quân y
Những gì được nghe, được thấy tại khu di tích Khu ủy đã góp phần nâng cao nhận thức, bồi đắp lý tưởng cách mạng, niềm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc cho các bạn học sinh. Từ đó, giúp cho các bạn học sinh quyết tâm phấn đấu nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triến đất nước hôm nay.
Điểm tham quan cuối cùng là nhà máy Ajinomoto Biên Hòa. Tại phòng họp của nhà máy, các bạn học sinh đã được xem một đoạn phim ngắn về người đã sáng tạo ra vị Umami- ông Kikunae Ikeda cùng sự hình thành và phát triển của nhãn hàng bột ngọt Ajinomoto. Tìm hiểu kỹ hơn từ thành phần nguyên liệu đến quy trình sản xuất bột ngọt an toàn. Quy trình sản xuất ra bột ngọt Ajinomoto cũng không kém phần hấp dẫn. Từ nguyên liệu ban đầu là mật rỉ đường và tinh bột khoai mì,… trải qua quá trình đường hóa, lên men ta thu được acid glutamic. Sau đó acid này được trung hòa bằng soda để được muối natri glutamate rồi đem lọc màu và tinh chế, sẽ thu được sản phẩm bột ngọt.
Đặc biệt, các bạn còn được tận tay làm và thưởng thức món bánh rán thơm ngon, chế biến từ chính nguyên liệu sản xuất từ nhà máy, mỗi bạn học sinh đã được công ty Ajinomoto tặng một phần quà kỷ niệm chuyến tham quan.
Các bạn học sinh tham gia làm bánh rán
Sau đó, mọi người di chuyển vào bên trong phân xưởng, trực tiếp quan sát quy trình sản xuất Hạt nêm Aji-ngon trên dây chuyền hoàn toàn tự động, đáp ứng theo tiêu chuẩn ISO 9001 và HACCP.
Tiếp tục, các bạn được chuyên viên của nhà máy hướng dẫn tham quan hệ thống xử lý nước thải của nhà máy. Các bạn đã rất hào hứng lắng nghe, ghi chép lại những thông tin quan trọng nhất và lưu giữ những bức hình đẹp nhất ở nơi đây.
Học sinh lắng nghe giới hệ thống xử lý nước thải của nhà máy
Các bạn học sinh chụp hình lưu niệm tại nhà máy Ajinomoto Biên Hòa
Tạm biệt công ty Ajinomoto, các bạn học sinh lên xe để quay trở về Tp. Hồ Chí Minh, kết thúc chuyến trải nghiệm tại Đồng Nai. Với những gì thu nhận được từ buồi tham quan này, hi vọng các em học sinh khối 10, 12 trường Trung học Thực hành Sài Gòn sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích, học tập tốt và đạt kết quả cao trong các kì thi sắp tới!
Thực hành Sài Gòn, Tháng 01/2019
BAN TỔ CHỨC