Hòa cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động hướng đến kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam (09/01/1950 – 09/01/2015), được sự đồng ý của Chi bộ, Ban giám hiệu, vào ngày 05/01/2015 Chi đoàn giáo viên trường Trung học Thực hành Sài Gòn tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam với chủ đề “Tuổi trẻ Thực hành Sài Gòn tiếp bước cha anh, thi đua học tốt”.
Mở đầu chương trình buổi sáng là phần biểu diễn flashmod tràn đầy năng lượng, sức trẻ và hết sức sôi động của khối học sinh cấp 3. Đó là những thế hệ học sinh của thế kỉ XXI hiện đại, năng động và nhiệt huyết.
Với mục đích ôn lại, đồng thời tuyên truyền, giới thiệu đến đông đảo học sinh, sinh viên và xã hội truyền thống ngày học sinh, sinh viên Việt Nam qua các thời kì, chương trình đã được tổ chức bằng hình thức trò chơi “Thử thách cùng ô chữ” tạo được không khí sôi nổi, hào hứng cho các em học sinh tham gia. Những phút đầu tiên của chương trình còn hơi trầm lắng vì mới qua một kì nghỉ lễ dài nhưng sau từng ô chữ được lật mở, từng lá thăm bí ẩn trong chiếc hộp được lật mở, không khí của chương trình ngày càng sôi nổi. Có bạn rút được những lá thăm may mắn “Xin mời bạn đoán”, “Chúc mừng bạn nhận được một phần quà” nhưng cũng không ít bạn đành nuối tiếc khi phải nhường lại cơ hội cho bạn khác khi bốc trúng lá thăm “Mất lượt”. Những cánh tay giơ lên ngày càng nhiều để mong mình là người được đoán ô chữ và nhận những phần quà hấp dẫn. Tới cuối chương trình các ô chữ đều được các em học sinh lần lượt lật mở thành công mà chưa cần lật mở hết các chữ cái. Mỗi ô chữ được mở ra đều mang thật nhiều ý nghĩa. Nó gợi nhớ và gắn liền với truyền thống ngày học sinh, sinh viên Việt Nam.
Thầy Trần Thái Sơn – giáo viên bộ môn Lịch sử của nhà trường đã trò chuyện, giải thích rõ hơn và cung cấp thêm kiến thức cho các em học sinh về ý nghĩa các ô chữ, ý nghĩa của ngày học sinh, sinh viên Việt Nam đối với học sinh hiện nay. Đó là:
PETRUS KÝ: ngôi trường được thành lập năm 1928, mang tên một nhà bác học nổi tiếng của Việt Nam, là một trong những cái nôi của phong trào yêu nước của giới học sinh sinh viên miền Nam lúc bấy giờ.
TRẦN VĂN ƠN: một học sinh chăm ngoan, sớm tham gia phong trào yêu nước, anh được xem là trụ cột của phong trào học sinh yêu nước trường Petrus Ký. Người thanh niên đã hi sinh trong lúc đang tham gia bãi khoá vào ngày 9 tháng 1 năm 1950 nhằm tố cáo tội ác của thực dân Pháp và bọn tay sai. Ngày mất của anh năm ấy trở thành ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam.
ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN: Đó chính là danh hiệu cao quý mà nhà nước ta đã trao tặng cho người liệt sĩ trẻ Trần Văn Ơn nhằm nêu cao tinh thần yêu nước và ghi nhận quá trình đấu tranh cho nền độc lập nước nhà của anh.
Kết thúc chương trình là bài hát “Khát vọng tuổi trẻ” như một thông điệp, mà chương trình muốn gửi tới các em học sinh. Hi vọng rằng học sinh trường THTH Sài Gòn sẽ ngày càng học giỏi, chăm ngoan để xứng đáng với truyền thống của cha anh, để mai này góp sức mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, sẽ luôn tâm niệm một điều như lời bài hát kết thúc chương trình: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
BAN TỔ CHỨC