MỞ RỘNG KHÔNG GIAN LỚP HỌC
CHUYẾN ĐI HỌC TẬP TẠI LONG AN – BẾN TRE
“Mở rộng không gian lớp học” là hình thức tổ chức dạy học trong đó giáo viên tổ chức cho học sinh học tập ngoài lớp học nhằm tạo điều kiện cho học sinh tiếp nhận, mở rộng kiến thức thông qua các hoạt động và mối quan hệ đa dạng từ môi trường học tập.
Đặc điểm nổi bật của hoạt động “Mở rộng không gian lớp học” là sự linh hoạt, cho phép kiến tạo các môi trường học tập đa dạng, kích thích được hứng thú học tập của học sinh; làm cho việc học tập trong nhà trường gần hơn với thực tiễn cuộc sống; giúp học sinh có điều kiện trải nghiệm và thực hiện phương thức học tập bằng chia sẻ có hiệu quả.
Nhóm văn 11 triển khai thực hiện hình thức dạy học này kết hợp dạy học theo dự án với bài Tác gia Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”.
Các em rời trang sách giáo khoa và lớp học quen thuộc bước vào cuộc hành trình tìm hiểu về tác gia Nguyễn Đình Chiểu qua chuyến đi Long An – Bến Tre. Mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng từ 6 giờ, các thầy cô cùng các học sinh lớp 11 đã có mặt đầy đủ. Sổ tay, máy ảnh, máy quay phim và các phương tiện không thể thiếu của chuyến đi học tập đã được các bạn chuẩn bị đầy đủ. Xe của công ty du lịch đang chờ phía trước, các hướng dẫn viên nhận đoàn và hướng dẫn lên xe. Khởi hành lúc 6 giờ 40, 4 xe của Công ty du lịch Hoàn Mỹ đưa thầy và trò rời khỏi trường Trung học Thực hành Sài Gòn bắt đầu chuyến hành trình Thành phố Hồ Chí Minh – Long An – Bến Tre tìm hiểu về tác gia Nguyễn Đình Chiểu và bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Khu mộ và đền thờ của cụ Nguyễn Đình Chiểu cách trung tâm thị trấn Ba Tri 2 km về phía Nam, nay thuộc ấp Giồng Cụt, xã An Đức, huyện Ba Tri. Ngày 3.7.1888 cụ Nguyễn Đình Chiểu qua đời tại làng An Bình Đông, gần chợ Ba Tri nay thuộc xã An Đức, huyện Ba Tri. Nơi an nghỉ cuối cùng của nhà nho yêu nước tiết tháo của đất Nam Bộ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 27/ 4/1990.
Để tỏ lòng thành kính tri ân cụ Đồ và cũng là để phục vụ cho việc tham quan, nghiên cứu, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ, năm 1999, Bộ Văn hóa Thông tin và tỉnh Bến Tre đầu tư xây dựng đền thờ mới, mở rộng khu di tích, khởi công vào ngày 01/7/2000, khánh thành ngày 01/7/ 2002 với tổng diện tích khu mộ và đền thờ là 13.000m2. Từ cổng đền đến nhà bia có sân rộng lát đá chẻ viền cỏ xanh, khu vực đền còn trồng nhiều cây kiểng qúy, được uốn tỉa công phu. Đền thờ hình tròn với 3 tầng mái tượng trưng cho ba nghề nghiệp của cụ Đồ Chiểu (nghề dạy học, bốc thuốc và làm thơ). Tượng cụ Đồ được làm bằng đồng thau, nặng 1,2 tấn. Mảng phù điêu bên trái tả cảnh cụ Đồ đọc văn tế “Lục tỉnh sĩ dân trận vong” tại chợ Đập (Ba Tri) năm 1883. Mảng phù điêu bên phải miêu tả trận đánh của Phan Ngọc Tòng tại Giồng Gạch ( xã An Hiệp – Ba Tri ). Nhà bia với 2 tầng mái tượng trưng cho hai cống hiến nổi bật, đó là những áng thơ văn yêu nước kiệt xuất “đã đạt đến độ toàn bích” của cụ, là ngọn cờ đầu của thơ văn yêu nước chống Pháp và những tác phẩm văn học dân gian xuất sắc đánh dấu một bước ngoặc quan trọng của thơ ca Nam Bộ.
Ảnh: Giáo viên – học sinh chuẩn bị dâng hương tại lăng mộ cụ Đồ Chiểu
Đến khu lăng mộ của cụ Nguyễn Đình Chiểu, đoàn cán bộ - giáo viên – học sinh của trường đã thực hiện nghi thức dâng hương tưởng niệm nhà thơ yêu nước của dân tộc. Sau đó, các thành viên của đoàn được nghe anh Lê Bảo Toàn thuyết minh về cuộc đời, sự nghiệp và kiến trúc lăng mộ của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. 143 học sinh đã lắng nghe và ghi chép tư liệu rất nghiêm túc, chăm chú và say mê. Sau đó các em được anh Toàn hướng dẫn tham quan nhà trưng bày về Nguyễn Đình Chiểu, đền thờ cũ và nơi an nghỉ của cụ Nguyễn Đình Chiểu, bà Lê Thị Điền – vợ nhà thơ, mộ bà Sương Nguyệt Anh - con gái thứ năm của Nguyễn Đình Chiểu. Sương Nguyệt Anh đã để lại cho văn học Việt Nam nhiều đóng góp to lớn. Năm 1917, bà được mời làm chủ bút tờ “Nữ giới chung” - tiếng chuông của nữ giới. Đây là tờ báo đầu tiên dành riêng cho phụ nữ Việt Nam, do một nữ sĩ tài danh điều hành. Nói về bà, dân gian Bến Tre có câu: “Đem chuông lên đánh Sài Gòn/ Để cho nữ giới biết con cụ Đồ”.
Ảnh: Học sinh nghe thuyết minh tại khu lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu
Cũng tại Bến Tre, đoàn theo tỉnh lộ ngược về thành phố, ngang qua huyện Giồng Trôm để viếng đền thờ Nguyễn Thị Định. Đến đây, đoàn cũng đã dâng hương và vào nghe giới thiệu về bà Nguyễn Thị Định - vị nữ tướng duy nhất của Việt Nam ở thế kỉ XX, người đã tham gia tổ chức và khởi xướng phong trào Đồng Khởi ở miền Nam vào năm 1960. Đền thờ của bà tại ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Rời Giồng Trôm, Bến Tre, đoàn tiếp tục lên đường về lại thành phố. Địa phận huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An là nơi dừng chân học tập cuối cùng. Thầy trò cùng đến viếng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia: chùa Tôn Thạnh - nơi nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu từng sống và sáng tác nhiều tác phẩm nồng nàn tình yêu nước, thương dân, trong đó, có bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”.
Ảnh: Học sinh nghe thuyết minh về Nguyễn Đình Chiểu tại chùa Tôn Thạnh
Chùa Tôn Thạnh, được thiền sư Viên Ngộ sáng lập năm 1808, ở xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đã có gần 200 năm tuổi và được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. So với nhiều chùa khác ở Nam bộ, Tôn Thạnh không phải là ngôi chùa cổ nhất, cũng không phải là ngôi chùa có kiến trúc bề thế, nghệ thuật. Nơi đây, từ năm 1859 đến 1862, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu dạy học, làm thơ, bốc thuốc trị bệnh và tham mưu cho nghĩa quân chống Pháp. Và cũng chính tại ngôi chùa này, ông đã sáng tác bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, đồng thời hoàn thành tác phẩm nổi tiếng Lục Vân Tiên. Bên phải con đường trong khuôn viên chùa có hai tấm bia, tấm thứ nhất xây dựng năm 1973 lưu lại dấu tích của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, tấm thứ hai xây dựng năm 1998 trích bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Chặng hành trình đã khép lại. Các em học sinh có một ngày học tập thật ý nghĩa. Không chỉ được tìm hiểu về tác gia Nguyễn Đình Chiểu và bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, về nữ tướng Nguyễn Thị Định, các em còn hiểu được quá khứ lịch sử đau thương của nhân dân Lục tỉnh Nam Kỳ khi Pháp xâm lược, ngắm những cánh đồng lúa mênh mông, quan sát những sinh hoạt thường nhật ở nông thôn. Đặc biệt các em được tìm hiểu về văn hóa, con người của vùng đất Bến Tre. Câu nói dân gian “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”đã được chứng thực bằng sự trải nghiệm thực tế.
Sau chuyến đi này, mỗi học sinh sẽ hoàn thành bài tập cá nhân và có 6 nhóm học sinh sẽ hoàn tất các sản phẩm học tập theo chương trình Dạy học dự án để trình bày trong buổi sinh hoạt chuyên đề “Sức sống Nguyễn Đình Chiểu trong cuộc đời và văn học Việt Nam” tại hội trường vào tiết 4, 5 ngày Thứ Bảy 19/10/2013. Chúc các bạn thành công!
Tấm bia lưu lại dấu tích nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu:
Tấm bia trích bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc:
Bàn thờ các nghĩa sĩ Cần Giuộc ở chùa Tôn Thạnh: