Hòa chung với không khí tưng bừng của cả nước chuẩn bị đón mừng 39 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại những chiến công hào hùng, vẻ vang của dân tộc vào những ngày Xuân năm 1975 lịch sử.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, miền Bắc nước ta được giải phóng, chuyển sang giai đoạn Cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, ở miền Nam, Mĩ nhảy vào thay chân Pháp, thiết lập chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm nhằm thực hiện âm mưu chia cắt Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và là căn cứ quân sự của Mĩ ở Đông Dương và Đông Nam Á.
Trước yêu cầu lịch sử của cách mạng cả nước, Đảng Lao động Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện đường lối kết hợp giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân miền Nam tới thắng lợi vẻ vang.
Từ năm 1954 đến năm 1975, nhân dân cả nước phải tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ, chống lại một cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại. Trong suốt 21 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mĩ và chính quyền Sài Gòn đã thi hành nhiều chính sách cực kì tàn bạo như tăng cường khủng bố, đàn áp, dồn dân lập ấp chiến lược, mở hàng loạt cuộc hành quân càn quét tiêu diệt lực lượng cách mạng, lê máy chém khắp miền Nam giết hại những người dân vô tội, rải chất độc hóa học, ngăn cản sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, ném bom phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, phong tỏa biên giới,… làm cho lực lượng cách mạng, cơ sở vật chất của ta bị thiệt hại nặng. Trước tội ác của đế quốc xâm lược và tay sai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần đấu tranh anh dũng, hi sinh quên mình vì độc lập tự do, quân và dân ta trên cả hai miền đất nước đã làm nên những chiến thắng vang dội như: Đồng khởi 1959 – 1960, Ấp Bắc (Mĩ Tho) 1963, Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu thân 1968, Tiến công chiến lược 1972, trận “Điện Biên Phủ trên không”,… cùng hàng loạt các cuộc đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân (sinh viên, học sinh, tăng ni, Phật tử…) trên khắp các thành thị, nông thôn, đồng bằng, rừng núi,… Những thắng lợi to lớn của ta đã làm khủng hoảng nghiêm trọng chính quyền Sài Gòn, lần lượt làm phá sản các chiến lược chiến tranh xâm lược của đế quốc Mĩ, buộc chúng phải kí Hiệp định Paris ngày 27/01/1973, rút hết quân về nước, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Đây là thắng lợi vô cùng quan trọng, tạo đà và thế để nhân dân ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được kí kết, miền Nam chưa có một ngày nào hòa bình, bọn Mĩ – Thiệu tập trung mọi lực lượng, dùng mọi thủ đoạn tiếp tục đánh chiếm miền Nam. Từ năm 1973 đến năm 1974, nhân dân miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã kiên quyết giáng trả lại địch những đòn nặng nề và bất ngờ, giải phóng nhiều quận lị, thu hẹp vùng kiểm soát của địch. Địch đành chịu mất mà không có khả năng lấy lại. Quân chủ lực của địch khi ấy không thể đương đầu với quân chủ lực của ta. Quân địch lúc bấy giờ tuy đông nhưng Mĩ đã rút đi, quân Ngụy mất chỗ dựa hoàn hoàn, tinh thần bị suy yếu, viện trợ bị cắt giảm, địa bàn kiểm soát bị thu hẹp,… Trong khi đó, về phía ta, lực lượng vũ trang nhân dân đã phát triển về mọi mặt, bộ đội chủ lực của ta đã có những quân đoàn thiện chiến được chuẩn bị khá chu đáo và dồi dào.
Nhận định tình hình giữa ta và địch, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 21, đề ra kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 – 1976. Giữa lúc Hội nghị sắp kết thúc, một tin thắng lớn được báo về là toàn tỉnh Phước Long được giải phóng (6/01/1975). Lần đầu tiên sau bao năm ròng rã kháng chiến, ta đã chiếm cứ và giữ vững một địa bàn chiến lược quan trọng, khiến địch không chống đỡ nổi, làm chúng suy sụp thêm một bước lớn mới và cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của nhân dân ta trên khắp mọi miền đất nước. Thời cơ chín muồi đã đến, quân và dân ta bước vào trận quyết chiến thực hiện sứ mệnh đánh sập chính quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 diễn ra với ba chiến dịch lớn: chiến dịch Tây Nguyên (10/3 -> 24/3/1975), chiến dịch Huế – Đà Nẵng (21/3 -> 29/3/1975) và chiến dịch Hồ Chí Minh (26/4 -> 30/4/1975).
Ngày 10/3/1975 cuộc tổng tiến công và nổi dậy được mở đầu bằng trận đánh hết sức táo bạo, bất ngờ của quân ta vào thị xã Buôn Ma Thuột – một vị trí then chốt hiểm yếu trong hệ thống phòng ngự của địch ở Tây Nguyên. Trận đánh làm rung chuyển toàn bộ Tây Nguyên, khiến quân đội của chính quyền Sài Gòn phải rút khỏi Kon Tum và Plâycu. Đến ngày 24/3, ta giải phóng Tây Nguyên và tiêu diệt toàn bộ quân địch trên đường rút chạy.
Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước sang giai đoạn mới, tạo ra thế mạnh to lớn tiến công địch trên toàn chiến trường miền Nam.
Ngày 25/3/1975, một ngày sau khi quân ta giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa (trước tháng 5/1975). Trước mắt, tiến hành trận quyết chiến chiến lược giải phóng Huế – Đà Nẵng, các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ, không cho chúng co về phòng thủ quanh Sài Gòn, tạo điều kiện cho ta mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
10g 30 ngày 25/3/1975 ta tấn công giải phóng Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên, Tam Kì, Quảng Ngãi, Chu Lai; bao vây, cô lập và giải phóng Đà Nẵng vào ngày 29/3.
Với những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kì to lớn của chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế – Đà Nẵng, cục diện chiến tranh đã có bước phát triển nhảy vọt, đẩy quân địch vào tình trạng tuyệt vọng, chiến thuật, chiến lược bị bế tắc, không thể thoát khỏi sự sụp đổ hoàn toàn. Thời cơ lớn để tiêu diệt toàn bộ lực lượng quân đội và chính quyền Sài Gòn đã tới, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh để giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Sài Gòn là sào huyệt cuối cùng của địch, là nơi quyết định số phận của chủ nghĩa thực dân mới của Mĩ và chính quyền tay sai. Từ đầu tháng 4/1975, trên khắp mọi miền đất nước, nhân dân ta đã sống những ngày giờ hết sức sôi động và hào hùng. Cả dân tộc ra quân trong trong mùa Xuân lịch sử với tinh thần “đi nhanh đến, đánh nhanh thắng” và với khí thế “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.
Ngày 09/4/1975 ta tấn công Xuân Lộc, một căn cứ phòng thủ trọng yếu bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông. Ngày 16/4, Xuân Lộc được giải phóng. Ngày 18/4, Tổng thống Mĩ ra lệnh di tản hết người Mĩ khỏi Sài Gòn và tuyên bố: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với người Mĩ”. Ngày 21/4, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố “từ chức” Tổng thống của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và trốn ra nước ngoài.
5 giờ chiều ngày 26/4, quân ta nổ súng mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm quân đoàn của ta từ năm hướng vượt qua tuyến phòng thủ từ xa của địch tiến vào bao vây Sài Gòn. Ngày 28/4, các trận địa pháo của ta đồng loạt nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất, phi công của ta dùng năm máy bay chiến đấu phản lực A37 thu được của địch mở đợt tập kích vào khu vực chứa máy bay của chúng.
Rạng sáng ngày 29/4, tất cả các cánh quân của ta được lệnh đồng loạt tổng công kích vào trung tâm thành phố, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch: Bộ Tổng tham mưu, Phủ Tổng thống (Dinh Độc lập), sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát, tòa Đại sứ Mĩ,...
9 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Tổng thống chính phủ Việt Nam Cộng hoà Dương Văn Minh vừa nhận chức hôm 28/4 kêu gọi “ngừng bắn để điều đình giao chính quyền” nhằm cứu quân đội Sài Gòn khỏi sụp đổ.
10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của ta tiến thẳng vào Phủ Tổng thống, bắt sống toàn bộ chính phủ Việt Nam Cộng hoà, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau khi Sài Gòn được giải phóng, lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh còn lại ở Nam Bộ nhất tề đứng lên tiến công và nổi dậy theo phương thức “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”. Đến ngày 2/5/1975, Châu Đốc – tỉnh cuối cùng ở miền Nam được giải phóng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn.
Như vậy, sau 21 năm chiến đấu liên tục, bền bỉ dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, sự nghiệp kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi. Với thắng lợi to lớn đó, quân và dân ta đã hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thống nhất đất nước, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, mở ra một kỉ nguyên mới cho lịch sử dân tộc – kỉ nguyên Độc lập, Tự do và Chủ nghĩa xã hội, đồng thời, là nguồn cổ vũ to lớn đối với phong trào cách mạng, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Thắng lợi vẻ vang ấy mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ XX, một sự kiện có tầm cỡ quốc tế và có tính thời sự sâu sắc.
Trong lịch sử hơn 200 năm của Hoa Kì, đây là thất bại lớn nhất, nặng nề và nhục nhã nhất. Âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và là căn cứ quân sự của chúng hoàn toàn thất bại.
Với tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, các thế hệ đi trước đã đổ biết bao xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, viết nên những trang sử hào hùng, vẻ vang, làm rạng rỡ truyền thống chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập của dân tộc ta từ bao đời nay.
Hướng về ngày 30/4, ngày kỉ niệm một mùa Xuân lịch sử, tuổi trẻ hôm nay, đặc biệt là các em học sinh trường Trung học Thực hành Sài Gòn hãy sống xứng đáng với sự hi sinh cao cả của các chiến sĩ cách mạng vì độc lập tự do của dân tộc, phấn đấu không ngừng để trở thành con ngoan, trò giỏi, là công dân có ích cho xã hội, đóng góp sức trẻ vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, giữ vững chủ quyền dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc!
Thực hành Sài Gòn, tháng 4/201
TỔ LỊCH SỬ THỰC HIỆN
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN 1975
Ngày toàn thắng 30-4-1975 - một mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam
Quân Giải phóng tấn công sân bay Tân Sơn Nhất
Tổng thống Dương Văn Minh (mặc áo đen, đeo kính) chuẩn bị tuyên bố đầu hàng tại Đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30 /4/ 1975
Vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 30 tháng 4 năm 1975, xe tăng của quân Giải phóng húc đổ cánh cổng của Dinh Tổng thống Ngụy (nay là Dinh Thống Nhất)
Các tầng lớp nhân dân Sài Gòn tham dự mít tinh mừng chiến thắng