Nhiều người nghĩ đeo khẩu trang y tế cực kỳ đơn giản và cần gì phải học cách sử dụng. Đừng vội vàng, vì chắc chắn đại đa số các bạn vẫn chưa nắm được cách đeo khẩu trang y tế đúng cách để phòng các bệnh lây nhiễm nguy hiểm.
· Bộ Y tế hướng dẫn cách uống rượu, bia an toàn ngày Tết
Đeo khẩu trang y tế là một biện pháp giúp phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, các loại vi khuẩn, virus. Tuy nhiên, sẽ không có tác dụng nếu bạn không hiểu về cách sử dụng khẩu trang y tế. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn đọc cách đeo khẩu trang y tế đúng cách giúp các bạn yên tâm mỗi khi đi ra ngoài.
Vậy tại sao khẩu trang y tế lại có thể ngăn cản mầm bệnh?
Khẩu trang y tế có chức năng ngăn ngừa các nguy cơ gây bệnh nhờ cấu tạo bằng vải không dệt thông thường, gồm có 3 lớp bảo vệ:
· Lớp ngoài: Lớp ngoài khẩu trang y tế có màu xanh blue nhạt, chống thấm nước, ngăn chặn các hạt chất lỏng văng ra khi thở mạnh, ho hoặc hắt xì hơi. Do đó, để lớp màu xanh nhạt này quay ra ngoài để ngăn chặn mầm bệnh từ người khác là đúng.
· Lớp giữa: Đây là lớp quyết định đến chất lượng của một chiếc khẩu trang. Lớp giữa có kết cấu để lọc các hạt bụi, vi khuẩn có kích thước cực kỳ bé, tuy nhiên vẫn đảm bảo được độ thoáng khí cho người dùng.
Cấu tạo của khẩu trang y tế - Ảnh minh họa: Internet
· Lớp trong: Lớp này có màu trắng để phân biệt với lớp ngoài khi đeo khẩu trang. Tất nhiên, lớp này sẽ được đeo vào trong. Lớp trong được cấu tạo mềm, mịn màng, không có sợi hay xù lông tránh gây cảm giác khó chịu cho người dùng. Ngoài ra, lớp trong này của khẩu trang y tế còn có tính thấm nước để hút mồ hôi và hơi thở.
Cách đeo khẩu trang y tế đúng cách
Đeo khẩu trang đúng cách như thế nào luôn là câu hỏi mà nhiều người quan tâm bởi dịch bệnh càng ngày càng hoành hành, môi trường ô nhiễm chứa nhiều nguy cơ gây bệnh. Dưới đây là cách đeo khẩu trang đúng mà bạn cần tuân thủ.
Đeo đúng mặt
Một chiếc khẩu trang y tế và khẩu trang than hoạt tính tốt thông thường có 2 mặt trong và ngoài. Do đó, bạn cần đeo đúng mặt khẩu trang để đảm bảo hiệu quả bảo vệ. Có nghĩa là mặt trong của khẩu trang phải tiếp xúc với da mặt của bạn. Mặt ngoài thường có màu đậm (thường là xanh và xám), mặt trong có màu nhạt hơn (thường là màu trắng), có độ phẳng.
Đeo đúng chiều
Đôi khi nếu nhìn không kỹ, bạn sẽ khó phân biệt đâu là mặt trên, đâu là mặt dưới của khẩu trang vì nó khá giống nhau. Việc đeo sai chiều sẽ khiến bạn khó đồng thời bụi bẩn dễ xâm nhập vào bên trong.
Mặt trên của khẩu trang thường gắn 1 sợi kim loại nhỏ có khả năng điều chỉnh độ cong linh hoạt của khẩu trang để giúp nó áp sát theo đường dáng của mũi, hạn chế tối đa kẽ hở. Mặt dưới của khẩu trang có đường dập, không có dây kim loại.
Các bước đeo khẩu trang chuẩn
· Lồng 2 dây đeo khẩu trang vào 2 tai cùng lúc hoặc lồng lần lượt từng bên tai một, sau đó điều chỉnh khẩu trang cho cân đối. Dùng 1 tay giữ mặt trên của khẩu trang, tay còn lại chỉnh và kéo nhẹ phần dưới giãn ra phủ xuống cằm để kín.
· Sau đó, sử dụng ngón cái và ngón trỏ của 1 bàn tay bóp nhẹ dây kim loại ở mặt trên của khẩu trang sao cho khoảng cách giữa mũi và khẩu trang kín nhất. Chỉnh lại khẩu trang nếu cần thiết.
Những lưu ý khi đeo khẩu trang
· Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại khẩu trang với nhiều hình dạng khác nhau. Do đó, bạn cần đeo sao cho không khí hít vào phải trải qua lớp lọc của khẩu trang là được.
· Bên cạnh đó, bạn cần phải điều chỉnh khẩu trang sao cho vừa khít, bao phủ hết phần lớn diện tích mũi, miệng đồng thời đảm bảo việc hít thở dễ dàng, không bị đau tải, trầy da.
· Lưu ý chỉ sử dụng khẩu trang 1 lần rồi bỏ, không nên sử dụng lại nhiều lần. Đối với khẩu trang than hoạt tính, bạn có thể tái sử dụng nhưng không nên giặt giũ vì lớp than hoạt tính sẽ bị giảm tác dụng nhanh chóng.
· Không nên để khẩu trang vào túi quần, túi áo hoặc túi xách vì chúng có thể làm khẩu trang bị nhiễm vi khuẩn và xâm nhập vào cơ thể khi bạn sử dụng tiếp.
· Khi đeo khẩu trang, hạn chế sờ tay vào khẩu trang để tránh lây nhiễm virus hoặc các vi khuẩn gây bệnh khác.
· Khi tháo khẩu trang, bạn chỉ nên cầm vào dây đeo, không cầm vào mặt khẩu trang tránh các vi khuẩn từ khẩu trang bám vào tay rồi truyền vào đường miệng khi ăn. Sau đó, bỏ chúng vào thùng rác. Ngay sau khi vứt khẩu trang, hãy rửa tay sạch bằng xà phòng.
Khẩu trang y tế nào là tốt nhất?
Để đánh giá chất lượng khẩu trang, tiêu chí quan trọng nhất chính là BFE (viết tắt của Bacterial Filtration Efficiency) có nghĩa là “Hiệu suất lọc khuẩn". Một chiếc khẩu trang tốt là loại có BFE cao. Chỉ số BFE trong khẩu trang y tế phải lớn hơn 95%.
Thông thường, khẩu trang y tế có khả năng lọc các hạt có kích thước lớn hơn 5 micromet. Một số loại virus như virus Corona có kích thước khoảng 150-200 nanomet, virus cúm Influenza A có kích thước 80-120 nanomet chủ yếu có trong nước bọt. Do đó, các khẩu trang y tế thông thường đã có thể ngăn chặn virus rất hiệu quả và phòng tránh được các bệnh lây nhiễm.
Giờ đây, bạn đã biết được cách đeo khẩu trang y tế đúng cách rồi đúng không nào? Hy vọng qua bài viết này, bạn có thể thay đổi được thói quen đeo khẩu trang cho phù hợp. Nếu thấy mình đang sử dụng sai cách, hãy chỉnh sửa lại ngay.