Trong không khí cả nước rạo rực kỉ niệm ngày giỗ tổ, thầy trò trường THTH Sài Gòn cũng dành những phút giây thật trang nghiêm, thật lắng đọng thắp nén nhang lòng hướng về đất Tổ thiêng liêng. Trước hết, ta cùng thành kính đọc đôi câu đối viết tại Đền Hùng được đúc kết theo tinh thần và đạo lý của dân tộc để tưởng nhớ, tôn vinh Quốc Tổ cùng các đấng tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.
"Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản, sông Đà, non nước vẫn qui về đất Tổ.
Văn minh đương buổi mới, con Hồng, cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ mồ ông".
Suốt chiều dài lịch sử, ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hễ có người Việt là ở đó có ngày giỗ Tổ. Từ mấy ngàn năm qua, cứ đến ngày 10/3 Âm lịch người Việt trong nước lại rủ nhau đi trẩy hội Đền Hùng, tức là đi dự lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương. Có lẽ, chọn ngày 10/3 vì theo Âm lịch, tháng 3 là tháng Thìn (tháng Rồng) và theo “Thập nhị đại chí” thì ngày 10 là ngày Tiên. Đó là cách tiền nhân gửi thông điệp đặc biệt để con cháu nhớ về dòng dõi cao quý cha Rồng, mẹ Tiên của dân tộc Việt.
Theo truyền thuyết, vua Đế Minh, cháu ba đời của vua Thần Nông đi tuần thú đến núi ngũ Lĩnh gặp nàng tiên, lấy nhau sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục làm vua, xưng đế lấy hiệu là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm làm vua xưng hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra bọc có trăm trứng sau nở thành trăm con. Vì Lạc Long Quân là giống Rồng, Âu Cơ là giống Tiên không thể sống chung nên Lạc Long Quân dẫn 50 người con về miền biển, Âu Cơ dẫn 50 người con về miền núi. Người con trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ nối ngôi vua xưng là Hùng Vương.
Trên đây là câu chuyện rất đẹp của dân gian giải thích về phả hệ vua Hùng. Còn trong thực tế nhờ sự hợp nhất 15 bộ lạc sống ở khu vực Bắc Bộ và Bắc trung Bộ nước ta ngày nay mà Nhà nước Văn Lang được ra đời. Vị vua đầu tiên lấy niên hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô tại thành Phong Châu ( nay thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).
Bằng việc dựng nước, định đô, Hùng Vương đã đặt nền móng để 18 đời vua Hùng nối tiếp trị vì đất nước. Nhà nước Văn Lang ra đời đánh dấu một bước chuyển biến cơ bản trong lịch sử xã hội Việt Nam: Đó là sự ra đời một cộng đồng quốc gia, một lãnh thổ chung, một tổ chức chính trị - xã hội chung, một nền văn hóa, văn minh chung. Chính thời đại này đã dựng nên một nền tảng văn hóa mà cội nguồn là nền văn hóa Đông Sơn đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngay từ buổi đầu khai thiên lập địa, các vua Hùng đã dạy cho nhân dân cách dẫn thủy nhập điền, cách trồng trọt, chăn nuôi, cách lấy sớ vỏ cây dệt vải, may quần áo, lấy cỏ lác dệt chiếu, nấu cơm bằng ống tre tươi, săn bắt, đánh cá, làm nhà sàn tránh thú dữ, tránh nước lũ, dùng trầu cau trong lễ cưới hỏi, đập vào cối đá làm hiệu để nhờ cậy xóm giềng, cách đúc đồng, làm sắt để chế tạo dụng cụ lao động, binh khí …
Rồng tượng trưng cho sức mạnh, quyền uy, tài năng chế ngự…
Tiên tượng trưng cho vẻ đẹp tươi sáng, hiền hòa, nhân hậu…
Sự kết hợp giữa Rồng và Tiên đã đúc tạo nên con người Việt Nam với biết bao vẻ đẹp cao quí, bất khuất, đoàn kết, giàu yêu thương, hiếu thảo, nghĩa tình, thông minh, sáng tạo…Thế nên, lớp lớp con cháu từ ngàn đời nay đã kiên cường tiếp nối sự nghiệp của các vua Hùng mở mang bờ cõi để tạo nên dải lãnh thổ hình chữ S thân thương:
“Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang
Cà Mau mũi đất mỡ màng phù sa”
Để tạo nên đất nước hùng vĩ lưng tựa vào dãy Trường Sơn trùng trùng, điệp điệp, mặt ngoảnh ra biển Đông bao la, từ Trường Sơn vươn tới Trường Sa. Niềm tự hào về dòng dõi Lạc Hồng cao quí từ trong tâm thức, trong tình cảm đã biến thành những hành động cụ thể. Những người con đất Việt luôn nhắc nhở nhau phát huy mọi nội lực để bảo vệ và xây dựng đất nước, vun đắp non sông gấm vóc đẹp tươi, hun đúc dân tộc Việt Nam quả cảm mà hào hoa muôn thuở:
“ Sống vững chãi 4000 năm sừng sững
Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”
Đó là lí do hàng năm, ngày 10/3 âm lịch nhân dân ta nô nức kéo về Đền Hùng và ai ở xa không đến được cũng thắp nến nhang lòng hướng về Đất Tổ.
Đặc biệt, từ năm 2007, ngày giỗ Tổ trở thành ngày Quốc lễ.
Lễ giỗ Tổ Hùng Vương không những có ý nghĩa tôn vinh mà còn có ý nghĩa nhắc nhở chúng ta thắp sáng mãi ngọn lửa Hùng Vương vì Tổ quốc yêu thương, vì đồng bào ruột thịt, vì sự hợp tác phát triển và hòa bình trong khu vực cũng như trên toàn thế giới. Mong rằng mỗi con cháu vua Hùng hãy sống thật tích cực để ánh hào quang từ thời đại vua Hùng tiếp tục tỏa rạng con đường đi tới tương lai xán lạn, để :
“ Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
Sau đây là một số hình ảnh: