Ánh nắng chói chang trên những tàn cây đỏ rực màu hoa phượng ở khắp sân trường báo hiệu một mùa hè nữa lại đến. Các cô cậu học trò lại lần lượt tạm biệt từng tấm bảng đen, từng hàng ghế đá để chuẩn bị tận hưởng một mùa hè vui tươi, sống động cùng bè bạn, cùng gia đình. Thật tuyệt biết bao khi sau bao lo toan, căng thẳng của kì thi học kì, học sinh bọn mình vừa được hòa mình vào làn nước biển trong xanh dưới ánh nắng hè rực rỡ, vừa được tìm hiểu về các loài sinh vật biển. Nắm bắt được tâm lí đó, các thầy cô tổ Sinh đã mang đến cho các bạn học sinh và các thành viên câu lạc bộ Hành Tinh Xanh một chuyến du lịch tham quan học tập tuyệt vời và bổ ích ở nơi được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông trên đất Việt: Thành phố Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Đến với Nha Trang, đoàn của chúng tôi không thể nào bỏ qua Viện Hải Dương Học. Viện Hải Dương Học như một thế giới thu nhỏ của vô vàn những sinh vật biển ở vùng biển này, là nơi học tập lý tưởng cho chuyến đi biển hè này.
Buổi sáng ngày đầu tiên khi được đặt chân đến thăm nơi đây, chúng tôi đã được tận mắt chiêm ngưỡng bảo tàng sinh vật biển với trên 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loại sinh vật biển và nước ngọt đã được sưu tầm, gìn giữ từ nhiều năm. Điểm tham quan đầu tiên là hệ thống hồ nuôi sinh vật biển được các nhà khoa học nuôi dưỡng, chăm sóc hằng ngày.
Lần đầu tiên chúng mình được chạm tay vào các con Sao biển này
Chúng tôi thỏa thuê chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hàng trăm loài sinh vật biển nhiệt đới, vô số loài cá hình thù kỳ dị và nhiều sắc màu tung tăng bơi lội trong những hồ nuôi lớn nhỏ khác nhau.
Đó là cá mao tiên với màu sắc nâu đỏ, vàng có hai vây trước xòe rộng như hai cánh chim cùng vây lưng tua tủa 13 chiếc gai độc, vây đuôi mỏng trong suốt có chấm như chiếc quạt Nhật Bản, đầu xù xì như đầu rồng nhưng thân hình mềm mại như nàng tiên múa vũ khúc
Đó là loài cá lớn như: Cá Mập vây đen được mệnh danh là “Sát thủ của biển cả”
Đó còn là những rặng san hô y như những đóa hoa khẽ khàng bung nở dưới nước và cũng là nơi cư trú của nhiều loài cá như: Cá Ngựa với đặc tính bơi đứng và con đực luôn mang thai giúp vợ…
Các loài cá hiếm như:
Cá Nhám beo
Bạn có thấy những tảng đá xấu xí này không? Chúng là Cá đá đấy!
Và các loài tiêu biểu cho cuộc sống trầm lặng của biển như
Hải quỳ ống
Cầu gai hay còn gọi là Nhím biển
Trong số các mẫu vật được trưng bày, ấn tượng nhất là bộ xương của cá voi lưng gù được nhân dân xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định khai quật dưới độ sâu 1,2m. Bộ xương dài 18m, cao 3m, nặng tới 10 tấn với đầy đủ 48 đốt cột sống được phục chế thật sống động, oai nghiêm như khắc họa lại hình ảnh của một sinh vật vẫn được dân chài tôn thờ là Thần hộ mệnh cho ngư dân khi gặp lúc sóng to gió lớn.
Hướng bước đến khu trưng bày tiêu bản và hồ cá nằm ở tầng trệt của toà nhà chính, chúng tôi được giới thiệu những mẫu đặc trưng của bảo tàng được sắp xếp theo hệ thống tiến hoá của sinh vật. Đặc biệt còn có những mẫu rất quí hiếm và rất nhiều mẫu vật thu thập từ hồi đầu thế kỷ, bây giờ không còn tìm thấy ở vùng biển Việt Nam. Chẳng hạn như nơi đây có lưu giữ hình ảnh của con bò biển nặng 400kg, dài 2,75m do ngư dân xã Gành Dầu, đảo Phú Quốc bắt được năm 2004. Bò biển hay còn gọi là mỹ nhân ngư là loại động vật có vú, sinh con và nuôi con bằng sữa. Hiện loài vật này chỉ còn tồn tại rất ít ở Việt Nam.
Sau khi được ngắm nghía thỏa thích, chúng tôi men theo cầu thang và lên lầu. Tầng một là nơi trưng bày các tượng và các mô hình của các loài sinh vật biển khác nhau và chúng được ngâm hóa chất để bảo quản mẫu vật được toàn vẹn.
Sau khi tham quan, chúng tôi được đưa đến phòng hội trường để nghe thuyết trình về đặc điểm của vùng biển, các loài sinh vật biển có ở nước Việt Nam ta. Ở đó, chúng tôi hiểu thêm về sinh vật phù du, các loài động thực vật ở biển giúp ích cho con người như tảo và san hô – hai loài động, thực vật này không chỉ mang vẻ đẹp lộng lẫy phục vụ du lịch mà còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp một nửa Oxi cho Trái Đất cũng như làm nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ngụ cho các loài động vật ở biển.
Kết thúc chuyến tham quan ở Viện Hải Dương Học, ai nấy đều rất vui và phấn khởi khi biết thêm được nhiều điều bổ ích, cụ thể là về thế giới sinh vật biển bao la, kì thú.
Chiều hôm ấy, chúng tôi càng vui hơn khi biết mình sẽ được tắm biển và tập lặn để ngày mai cùng nhau lặn xuống biển xem san hô. Trời đổ mưa to nhưng biển không động nên thầy cô vẫn quyết định cho chúng tôi xuống biển. Dưới sự hướng dẫn của thầy Tùng, chúng tôi cố gắng tập ngậm ống thở và lặn thử mặc dù ai nấy lúc đầu đều sặc nước rất nhiều và một số bạn rất sợ nhưng rồi cũng quen dần và cuối cùng đã thành công. Mọi người ai ai cũng rất vui mừng vì đã chiến thắng được nỗi sợ hãi và tự tin để ngày mai có thể tha hồ lặn ngụp trong làn nước biển xanh mát để thỏa sức ngắm san hô.
Địa điểm mà các thầy cô chọn để chúng tôi vui chơi tối hôm ấy là trung tâm thành phố: Nha Trang Center , đồng thời còn được đi ngang qua nơi diễn ra sự kiện Festival Biển 2013. Chuyến đi dạo chơi như thế này càng làm chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp lộng lẫy và huyền ảo của thành phố Nha Trang về đêm.
Sáng hôm sau, sau khi sửa soạn chuẩn bị đồ, quần áo và ăn xong bữa sáng thì chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đến Viện Hải Dương học lần hai. Sau khi nghe thầy Hải thuyết minh thì chúng tôi lại được hiểu rõ hơn về sinh vật phù du, hiện tượng thủy triều đỏ cũng như tác hại của nó.
Tiếp theo, theo như kế hoạch thì bây giờ chúng tôi sẽ ra cảng biển rồi đi tàu ra đảo để bơi và ngắm san hô.
Trên đường đi chúng tôi còn được biết thêm về dụng cụ để lấy mẫu các sinh vật biển.
Đó là một chiếc lưới có mắc rất nhỏ chỉ vài micromét
Sau khi thả lưới xuống biển
Là bạn đã thu được một thế giới phù du ở trong chai
Thứ hai là một cái bình để đo độ muối ở độ sâu chúng ta cần.
Khi thả bình xuống độ sâu cần lấy mẫu rồi thì chúng ta thả một cục sắt xuống và bình sẽ tự đóng nắp cho chúng ta kéo lên. Sau khi lấy nước lên, chúng ta sẽ bỏ nước vào trong một dụng cụ khác như một cái ống có hai đầu, một đầu để cho nước vào còn đầu kia sẽ cho ta thấy độ mặn của muối là bao nhiêu. Thật thú vị khi được nhìn thấy những sinh vật phù du nhỏ bé bơi tung tăng nhờ chiếc lưới kéo đặc biệt đó cũng như biết được chính xác độ mặn của từng độ sâu khác nhau dưới biển.
Bọn mình đang xem độ mặn của nước biển Nha Trang
Sau khoảng 30 phút ngồi tàu ngắm cảnh, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến nơi. Giống như bãi biển Trần Phú chúng tôi tắm chiều hôm trước, nhưng bãi này có nhiều đá hơn. Theo như các thầy ở Viện Hải Dương thì bãi biển này tuy có đá nhưng lại có rất nhiều san hô đẹp để chúng tôi ngắm.
Mọi người vui vẻ thay đồ bơi và rồi trầm mình vào dòng nước trong xanh, mát rượi. Dưới sự hướng dẫn của các thầy thì chúng tôi bắt đầu ngậm ống thở và bắt đầu cuộc hành trình lặn ngắm san hô. Biết bao nhiêu san hô đẹp vô cùng với đủ màu sắc đang vui đùa dưới đáy biển kia. Chúng tôi có thể chạm trực tiếp vào san hô hay có thể chụp hình với chúng, thật vui thích biết bao! Trong khi các bạn nam thi nhau lặn ngụp ngắm san hô
Còn những bạn khác có thể đi thúng đáy kính để xem san hô.
Vừa ngồi ngắm san hô, chúng tôi còn được bác chèo thuyền thúng nói sơ lược về các loài san hô, cụ thể là ở vùng biển Nha Trang này có các loại san hô như: san hô sừng, san hô não, san hô nấm,…
Và rồi cũng đến lúc phải tạm biệt những rặng san hô đủ màu đủ sắc, đủ hình đủ dạng để về lại khách sạn của chúng tôi. Một ngày trôi qua thật nhanh! Chiều hôm đó chúng tôi được thầy cô dẫn đi chợ Đầm – một nơi thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, mua sắm. Chợ hiện nay bán rất nhiều sản phẩm gia dụng lẫn những mặt hàng lưu niệm, hải sản, khô, nem nướng ..v..v. rất phong phú và đa dạng.
Tối hôm đó là ngày cuối cùng chúng tôi được vui chơi ở Nha Trang. Địa điểm dừng chân cuối cùng để ăn uống, mua sắm và vui chơi thỏa thích đó là siêu thị Maximark. Đến khoảng 8g chúng tôi rời Maximark rồi đến ga, chuẩn bị về lại thành phố Hồ Chí Minh và kết thúc chuyến vui chơi, học tập tại Nha Trang.
Kết thúc chuyến đi chơi, trong lòng ai cũng cảm thấy nuối tiếc, tuy nhiên mọi người cũng rất vui vì đã học được nhiều bài học về kĩ năng làm việc nhóm, tập hòa hợp với thiên nhiên và đặc biệt là hiểu rõ hơn về hệ sinh thái biển ở Việt Nam - hệ sinh thái rất đa dạng và phong phú nhưng đang ở mức báo động đỏ, ngày càng suy giảm thêm nhiều các động, thực vật khác nhau ở biển.
Qua chuyến đi này, chúng mình đã được học hỏi biết bao điều bổ ích, những điều kì thú, những kiến thức cần thiết, hữu ích và ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường biển. Chúng tôi mong sao thầy cô sẽ tổ chức thêm nhiều chuyến đi vui và ý nghĩa như thế cho câu lạc bộ Hành Tinh Xanh mỗi khi hè về và lúc đó, bạn cũng sẽ tham gia?
Nguyễn Ngọc Hạnh Dung
Lưu Khải Nhiên
Trần Thị Hồng Ngọc
(Nhóm Sinh 8 – CLB HTX)
* Trong bài có sử dụng một số hình ảnh do thầy cô cung cấ