Nhằm tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận, tìm hiểu về những hiện vật, di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử văn hóa dân tộc thuộc thời kì lịch sử cổ - trung đại Việt Nam, qua đó giúp các em khắc sâu thêm kiến thức của những bài học lịch sử dân tộc thời kì này, bồi dưỡng thêm tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào về truyền thống văn hoá dân tộc, lòng biết ơn tổ tiên và ý thức kế thừa truyền thống quí báu của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Được sự đồng ý của Ban Giám hiệu nhà trường, vào ngày 30/3/2014 vừa qua, tổ Lịch sử kết hợp với tổ Giáo dục công dân tổ chức chuyến tham quan học tập ngoại khóa cho các em học sinh khối lớp 7 tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P.Bến Nghé, Q.1). Tham gia chuyến tham quan có các giáo viên thuộc tổ Lịch sử - GDCD và hơn 150 học sinh thuộc khối lớp 7.
Có mặt tại bảo tàng lúc 7g30, các em học sinh nhanh chóng tập trung dưới sự hướng dẫn của các thầy cô phụ trách theo từng nhóm. Trước khi đến với các phòng trưng bày hiện vật trong bảo tàng, các em được nghe thuyết minh viên giới thiệu sơ lược về tiến trình lịch sử dân tộc từ khởi thủy cho tới thời kì vương triều Nguyễn giữa thế kỉ XIX. Các em học sinh vừa lắng nghe một cách chăm chú, vừa ghi chép lại những kiến thức, những điều thú vị mà mình lĩnh hội được. Khi thuyết minh viên đưa ra những câu hỏi liên quan đến lịch sử dân tộc, các em nhanh chóng trả lời rất chính xác. Các cô chú trong tổ thuyết minh của bảo tàng có mặt tại đó đã nhận xét rằng học sinh trường Trung Học Thực Hành Sài Gòn không chỉ học tập sôi nổi mà còn rất năng động, thông minh và am hiểu kiến thức lịch sử dân tộc.
Sau hơn 30 phút lắng nghe thuyết minh viên giới thiệu sơ lược tiến trình lịch sử dân tộc, các em học sinh tiếp tục tham quan các phòng trưng bày hiện vật qua các thời kì: Việt Nam thời tiền sử, thời Hùng Vương; thời kì đấu tranh giành độc lập; thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần; thời Hậu Lê; thời Tây Sơn; thời Nguyễn... Các em tỏ ra rất hứng thú khi lần lượt tham quan các phòng trưng bày, được khám phá những điều thú vị về quá trình ông cha ta dựng nước và giữ nước, cũng như xây đắp nên truyền thống văn hoá Việt đậm đà bản sắc dân tộc. Nhờ đó, các kiến thức về lịch sử không còn là những con số, sự kiện khô khan nữa mà rất dễ dàng ghi nhớ bằng hệ thống hình ảnh, hiện vật cụ thể.
Chuyến tham quan kết thúc, với những gì các em học sinh đã được “nghe tận tai, xem tận mắt” tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam, chắc chắn sẽ giúp các em khắc sâu thêm kiến thức của những bài học lịch sử, tự hào về truyền thống lịch sử, văn hoá của dân tộc Việt Nam.
Thực hành Sài Gòn, tháng 3/2014
TỔ LỊCH SỬ - GDCD
Sau đây là một số hình ảnh về chuyến tham quan
Các em học sinh nghe thuyết minh viên trình bày sơ lược tiến trình lịch sử dân tộc qua các thời kì
Quan sát hiện vật tại phòng trưng bày hiện vật thời kì Đồ đá
Các em quan sát hiện vật tại phòng trưng bày hiện vật thời kì Đồ đá
Các em quan sát hiện vật tại phòng trưng bày hiện vật văn hóa Chămpa
Tại phòng trưng bày hiện vật thời Lê
Các em quan sát và lắng nghe thuyết minh viên tại phòng trưng bày hiện vật thời Lê
Các em quan sát hiện vật tại phòng trưng bày hiện vật thời Lê
Các bạn học sinh lớp 7A3 và 7A5 cùng cô Lương Thị Ngọc Mai
Các bạn học sinh lớp 7A1 và cô Nguyễn Anh Hoài
Các bạn học sinh lớp 7A4 và 7A6 cùng thầy Đỗ Lê Anh và thầy Lưu Văn Dũng
Các bạn học sinh lớp 7A8 và cô Nguyễn Thị Bích
Các bạn học sinh lớp 7A2 và 7A7 chụp hình kỉ niệm chuyến tham quan cùng thầy Lưu Văn Dũng
Các bạn học sinh lớp 7P cùng
cô Nguyễn Thanh Thảo, cô Trần Thị Ánh và thầy Trần Thái Sơn
HẾT