PHỤ NỮ VIỆT NAM
QUA CÁC CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ
Trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, người phụ nữ Việt Nam luôn giữ vị trí và vai trò quan trọng. Những đóng góp của họ trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc đã được xã hội ghi nhận, tôn vinh với sự tự hào, trân trọng và ngưỡng mộ.
Kể từ sau khi Âu Lạc bị quân Nam Việt của Triệu Đà thôn tính, đất nước ta rơi vào thời kì đắm chìm dưới ách đô hộ của phong kiến phương Bắc mà lịch sử gọi là thời kì một nghìn năm Bắc thuộc (179 tr.CN – 938). Với bản năng vốn có của người phụ nữ xuất phát từ tình yêu thương gia đình, người thân…, ý thức vùng lên đấu tranh chống giặc ngoại xâm giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ cho dân tộc đã bùng lên mạnh mẽ trong họ. Hình ảnh Trưng Trắc lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, đập tan chính quyền đô hộ của nhà Đông Hán, trả thù nhà, mong tiếp nối sự nghiệp dựng nước của vua Hùng vẫn sáng mãi trong lịch sử. Bà Triệu với ý chí chiến đấu chống ngoại xâm kiên cường bất khuất: “Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ, đâu chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!”. Còn nhiều và rất nhiều những người phụ nữ, là những nữ tướng kiên trung bên cạnh Hai Bà Trưng, Bà Triệu, cũng như trong các cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm thời kì này đã có những đóng góp nhất định trong cuộc chiến đấu giành độc lập cho dân tộc.
Dưới chế độ phong kiến, phụ nữ Việt Nam phải chịu nhiều áp bức, bất công. Trong họ luôn có yêu cầu được giải phóng khỏi những luật lệ hà khắc, những rào cản của hệ tư tưởng phong kiến lạc hậu, quan niệm trọng nam khinh nữ,.... Qua hai câu thơ nổi tiếng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, ta thấy rất rõ điều đó: “Ví đây đổi phận làm trai được/ Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu!”.
Rõ ràng, trong bất kì thời đại nào, phụ nữ Việt Nam luôn khát khao và hoàn toàn có khả năng đóng góp trí tuệ, công sức của mình vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và kiến thiết đất nước.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Cũng như nam giới, nhiều phụ nữ Việt Nam đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược dưới nhiều hình thức phong phú, với tinh thần dũng cảm, vượt qua mọi thử thách, gian khổ và hi sinh. Từ năm 1927, cùng với sự phát triển của phong trào cách mạng theo khuynh hướng vô sản, những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ như: Công hội đỏ, Nông hội đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đã chỉ rõ: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng. Chính vì vậy, ngày 20/10/1930 Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (đến 20/10/1946 lấy tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập. Để đánh dấu sự kiện này, nhà nước ta đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày để tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là "Ngày Phụ nữ Việt Nam" .
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, phụ nữ Việt Nam cũng đã có những đóng góp vô cùng quan trọng. Đối diện với kẻ thù, họ vẫn kiên trung, giữ tròn khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu, dù chưa đủ 18 tuổi nhưng thật gan dạ, đã dùng lựu đạn giết chết và làm bị thương nhiều tên giặc. Chị bị thực dân Pháp tuyên án tử hình. Trên pháp trường, chị đã từ chối bịt mắt làm kẻ thù phải nể sợ. Khi giặc bắt quỳ, chị nhìn thẳng quân thù mà quát: “Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ!”. Chị Nguyễn Thị Minh Khai, một trong những chiến sĩ thuộc thế hệ ban đầu của cách mạng, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kì (11/1940), khi bị thực dân Pháp bắt giam, sau những đòn tra tấn tàn bạo của kẻ thù, chị đã lấy máu mình viết lên cánh cửa phòng giam: “Dù đánh, dù treo, càng cương quyết/ Dù kềm, dù kẹp, chẳng sai lời/ Hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ/ Triệt để thực hành chết mới thôi!”.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc, tưởng chừng như phụ nữ Việt Nam đã thoát khỏi những năm tháng tàn khốc của chiến tranh nhưng rồi họ lại phải cùng với cả dân tộc tiếp tục công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Một lần nữa, người phụ nữ lại nêu cao khẩu hiệu: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh!”, “Còn cái lai quần cũng đánh!”... Điều đó dường như đã trở thành một qui luật, một chân lí bất di bất dịch. Thực tiễn lịch sử cũng đã minh chứng rất rõ: khi đất nước có ngoại xâm, là lúc xuất hiện những phụ nữ hiên ngang, bất khuất, anh hùng trước kẻ thù. Họ đã không quản ngại hiểm nguy, khó khăn, vất vả, hi sinh cho thắng lợi cuối cùng của đất nước. Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, vị nữ tướng duy nhất của Việt Nam ở thế kỉ XX, người đã tham gia tổ chức và khởi xướng phong trào Đồng Khởi ở miền Nam vào năm 1960; Bà Nguyễn Thị Bình, nhà chính trị nổi tiếng của Việt Nam, người từng giữ vai trò Bộ trưởng Bộ ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968 - 1973, là một trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút kí vào Hiệp định lịch sử này.
Mùa xuân năm 1975, sự nghiệp kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc kết thúc thắng lợi, phụ nữ Việt Nam cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước. Cũng như nam giới, phụ nữ nước ta ngày nay vẫn tiếp tục tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội,… của đất nước, thậm chí đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm, Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu Hà...
Bên cạnh ý thức trách nhiệm với gia đình, phụ nữ Việt Nam không ngừng nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ để bắt kịp với sự phát triển của xã hội, của đất nước. Ngày nay, đội ngũ nữ trí thức nước ta ngày càng đông đảo. Có nhiều phụ nữ là những nhà khoa học, nhà giáo, bác sĩ, kĩ sư,… đã có những đóng góp nhất định cho nước nhà trong nhiều lĩnh vực. Giáo sư – Bác sĩ - Anh hùng lao động Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc bệnh viện Từ Dũ, nổi tiếng với công trình “Thụ tinh trong ống nghiệm”, là “Bà tiên” đem đến hạnh phúc cho biết bao gia đình hiếm muộn; Con gái của bà là Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan tiếp nối sự nghiệp của mẹ, cũng là chuyên gia trong lĩnh vực này; Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thị Hòe, người vinh dự được nhận giải thưởng Kovalevskaya, danh hiệu cao quí nhất dành cho các nhà khoa học nữ, tác giả của nhãn hiệu sơn Kova nổi tiếng,… Còn và còn rất nhiều những phụ nữ tài năng, nhiệt huyết, đảm đang vẫn tiếp tục đóng góp trí tuệ và công sức của mình vào sự phát triển chung của đất nước, của dân tộc.
Với những đóng góp to lớn cho đất nước, cùng với vai trò quan trọng trong bất kì thời đại nào của người phụ nữ trong gia đình: người giữ lửa, người xây tổ ấm, ngày nay, vị thế của người phụ nữ Việt Nam được xã hội đề cao, tôn vinh hơn bao giờ hết. Trải qua hơn 80 năm hình thành và phát triển, cùng với những thăng trầm của đất nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, một tổ chức thống nhất trong cả nước cùng với các đoàn thể đã phát huy chức năng cao cả của mình: vì độc lập tự do của dân tộc, vì sự bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ, vì hạnh phúc của phụ nữ, trẻ em và các gia đình. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và phụ nữ Việt Nam rất xứng đáng với những danh hiệu cao quý mà Bác Hồ, Đảng và Nhà nước đã khen tặng “Phụ nữ Việt Nam trung hậu, dũng cảm, đảm đang, tài năng, anh hùng !”.
THSG, tháng 10/201
TỔ LỊCH SỬ
CHÂN DUNG PHỤ NỮ VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KÌ
Nữ vương đầu tiên trong lịch sử
Danh hiệu này dành cho Trưng Trắc, bà cùng với Trưng Nhị, hai người phụ nữ anh hùng, đã quả cảm phát động và lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, vùng lên đập tan chính quyền đô hộ của nhà Đông Hán, xưng vương và lập nên nền độc lập tự chủ trong vòng ba năm sau hơn 200 năm nước ta đắm chìm dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc.
Nguyễn Thị Minh Khai
(1910 – 1941)
Năm 1927, Nguyễn Thị Minh Khai gia nhập Tân Việt cách mạng Đảng. Năm 1929 thoát ly gia đình hoạt động cách mạng ở Trung Hoa. Năm 1935 vào học trường Đại học Phương Đông tại Liên Xô cũ, chị cùng với Lê Hồng Phong là đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII Quốc tế cộng sản. Năm 1937, chị về nước hoạt động trong vai trò Bí thư Thành uỷ Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1940, trong lúc đang chuẩn bị cho khởi nghĩa ở Nam kì, chị bị giặc Pháp bắt, bị kết án tử hình và bị xử bắn tại Ngã ba Giồng, Hóc Môn năm 1941.
Nguyễn Thị Chiên
(Sinh năm 1930)
Nữ Anh hùng đầu tiên của QĐNDVN
Trong kháng chiến chống Pháp, chị đã xây dựng và chỉ huy đội nữ du kích Tán Thuật (Thái Bình). Đội du kích hoạt động hiệu quả, táo bạo, dũng cảm, nổi tiếng với chiến tích “tay không bắt giặc”, chị được tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương chiến công và năm 1952 được phong là Nữ Anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đinh Thị Vân (1916-1995)
Nữ đại tá tình báo giỏi nhất
Danh hiệu trên được dành cho đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Đinh Thị Vân, người tổ chức và điều hành mạng lưới tình báo tại Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ.
Với tính cách thông minh, nhanh nhẹn, kiên trung, bà đã xây dựng được mạng lưới tình báo vững chắc, cung cấp kịp thời cho Trung ương Đảng nhiều tin tức về các cuộc càn quét của Mỹ ngụy vào đầu não kháng chiến của ta ở miền Đông Nam bộ. Hệ thống tình báo của bà phục vụ đắc lực cho các kế hoạch tấn công của quân đội ta từ Tết Mậu Thân 1968 đến khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng năm 1975.
Võ Thị Thắng
(Sinh năm 1945)
Người sinh viên yêu nước can đảm
Đây là hình ảnh của người sinh viên yêu nước, chiến sĩ biệt động Võ Thị Thắng với “Nụ cười chiến thắng” nổi tiếng tại phiên tòa của Mỹ ngụy năm 1968.
Võ Thị Thắng trước 1975 là sinh viên, chị đã tham gia đấu tranh biểu tình chống chính quyền Sài Gòn, bị bắt và bị kết án 20 năm tù. Khi bị kết án, chị đã dõng dạc tuyên bố trước kẻ thù: "...tôi chỉ sợ chính quyền của các ông không tồn tại nổi đến khi tôi mãn hạn tù". Khi Võ Thị Thắng bị dẫn giải về nhà lao, có nhà báo đã chụp được bức ảnh Võ Thị Thắng mỉm cười trước hai tên lính dẫn giải.
Nguyễn Thị Định
(1920 - 1992)
Nữ tướng duy nhất của Việt Nam ở thế kỉ XX
Bà sinh ra tại tỉnh Bến Tre. Năm 1974 là Thiếu tướng, Phó tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, bà là nữ Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước đầu tiên của Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Nguyễn Thị Bình
(Sinh năm 1927)
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nhà chính trị nổi tiếng của Việt Nam, người từng giữ vai trò Bộ trưởng bộ ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền nam Việt Nam, Trưởng phái đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968 - 1973. Bà là 1 trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút kí vào Hiệp định lịch sử này.
Tôn Nữ Thị Ninh
(Sinh năm 1947)
Bà từng giữ vị trí Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên minh châu Âu và một số quốc gia khác như: Bỉ, Hà Lan… Bà cũng từng là Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Quốc hội Việt Nam đồng thời cũng từng giữ một vị trí quan trọng trong Uỷ ban Trung ương hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Tháng 2/2013, bà vinh dự được Chính phủ Cộng hoà Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh vì những đóng góp của bà cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Giáo sư- Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng
(Sinh năm 1944)
Bà là một nhà y khoa nổi tiếng của việt Nam, nguyên là Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh), Viện trưởng Viện Tim TP. Hồ Chí Minh, đương kim Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam. Bà từng là Đại biểu Quốc hội khóa VII, Phó chủ tịch Quốc hội khóa VIII, Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội khóa 1992 - 1997. Để tôn vinh những đóng góp và thành tựu của bà trong lĩnh vực sản phụ khoa, Nhà nước Việt Nam đã phong tặng cho bà danh hiệu Anh hùng Lao động và Thầy thuốc Nhân dân.
PGS.TS Nguyễn Thị Hòe
Năm 1993, với đề tài nghiên cứu về sơn chống thấm, PGS. TS Nguyễn Thị Hoè đã vinh dự được trao tặng giải thưởng Kovalevskaya. PGS. TS Nguyễn Thị Hoè xây dựng được một thương hiệu Sơn Kova có chỗ đứng vững chắc trên thị trường với 11 công ty, 8 văn phòng đại diện và hơn 1.000 đại lý trong và ngoài nước, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động. Sản pẩm sơn Kova đã đạt trên 20 Huy chương vàng tại các hội chợ thương mại quốc tế EXPO, thương hiệu uy tín chất lượng TOPTEN, thương hiệu ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và cúp vàng ISO… PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Kova đã rất nổi danh trong lĩnh vực khoa học và ngành sơn.
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu
Bà Tốt nghiệp Trường ĐHTH Hà Nội, công tác giảng dạy tại Khoa Sinh học - Trường ĐHTH Hà Nội. Năm 1974 - 1985 bà bảo vệ Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học tại ĐHTH Ba Lan. Năm 1991, bà được phong là Giáo sư. Hiện bà là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Hoá sinh Việt Nam. Ngày 8/3/2011, bà được bầu là Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam
Giáo sư Hoàng Xuân Sính
(Sinh năm 1933)
Bà là giáo sư, tiến sỹ khoa học toán học đầu tiên của Việt Nam, là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên bảo vệ luận án tiến sỹ toán học tại Pháp. Bà đã được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và là một trong những người sáng lập ra trường Đại học Thăng Long, trường đại học dân lập đầu tiên ở Việt Nam. Bà cũng là thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng khoa học Kovalevskaya ở Việt Nam. Nhiều lần bà là Trưởng Đoàn học sinh Việt Nam đi dự Olympic Toán Quốc tế.
Ths. Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan
(Sinh năm 1971)
Chị là con gái của Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc phượng, là một bác sĩ sản phụ khoa có tiếng tại Việt Nam trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm, từng được trao Giải thưởng Kovalevskaya cho tập thể nữ lao động sáng tạo năm 1998.
Phạm Thị Huệ
(Sinh năm 1980)
Chị không may bị nhiễm HIV. Với những hoạt động không biết mỏi mệt trong chiến dịch phòng chống HIV - AIDS và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, chị vinh dự được tạp chí Time của Mỹ bình chọn là Anh hùng châu Á vào tháng 10/2004.