“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
Trong không khí cả nước cùng hướng về Quốc tổ Hùng Vương, thầy và trò trường Trung học Thực hành Sài Gòn đã tổ chức lễ kỉ niệm trang nghiêm, cùng thành kính dâng nén hương hướng về đất Tổ.
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng; thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.
Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam ngay khi mới lên ngôi, đã từng xác lập “ngọc phả” về thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước.
Vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày Quốc lễ, Quốc giỗ. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.
Sau cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL-CTN ngày 18-2-1946 cho công chức nghỉ ngày 10-3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.
Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm cáo với tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có hai lần về thăm Đền Hùng (19-9-1954 và 19-8-1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời dạy của Người đã thấm sâu trong trái tim, khối óc của triệu triệu người Việt Nam. Thực hiện lời căn dặn của Người, Đảng ta đã không ngừng phát huy truyền thống của tổ tiên, kế thừa những giá trị tinh thần tốt đẹp của thời đại Vua Hùng và các thời đại oanh liệt trong lịch sử, đã lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành các cuộc đấu tranh cách mạng trường kỳ và oanh liệt trong lịch sử, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, góp phần làm rạng rỡ thêm lịch sử và truyền thống Việt Nam anh hùng.
Ngày 06/01/2001, Chính phủ ra Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, quy định nhà nước về các ngày lễ lớn, trong đó ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch là ngày Quốc lễ. Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn – QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.
Năm 2012, tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO thì “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đạt được tiêu chí quan trọng đó là: Di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị của di sản. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện rõ lòng tôn kính đối với tổ tiên, thể hiện thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa. Đặc biệt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả một dân tộc với những giá trị khoa học, điều đó đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy đương đại.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là một lễ hội đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam hướng về Ngày Giỗ Tổ tỏ lòng kính hiếu tôn trọng tổ tiên, nhưng cũng là để nhân thêm tình yêu thương con người, xứ sở, niềm tin vào cộng đồng của dân tộc Việt Nam; là biểu hiện cao đẹp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là tín ngưỡng cả nước thờ chung Đức Quốc Tổ, trên thế giới này chỉ có ở Việt Nam, điều đó đã trở thành truyền thống, lẽ tự nhiên của dân tộc Việt Nam.
Hướng về ngày Giỗ tổ Hùng Vương với niềm tự hào và lòng tự tôn dân tộc, với tinh thần yêu nước nồng nàn của ông cha ta đã được truyền lại qua biết bao thế hệ, chúng ta – con cháu Vua Hùng luôn ý thức phát huy truyền thống cao quý ấy, luôn nhớ về cội nguồn dân tộc. Thế hệ con cháu Lạc Hồng luôn một lòng đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, vận hội, ra sức thi đua, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp văn minh; nguyện một lòng đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn xây dựng giang sơn hùng mạnh, góp phần vì hòa bình hữu nghị trên thế giới./.
Sau đây là một số hình ảnh của buổi lễ: