Từ khoảng thiên niên kỉ thứ II trước Công nguyên, con người đã có mặt ở vùng đất thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.
Cho đến những thế kỉ đầu Công nguyên, vùng Sài Gòn thuộc lãnh thổ của vương quốc cổ Phù Nam, một “đế quốc” hùng mạnh thời cổ đại, được xem là chủ nhân của nền văn hóa Óc Eo cổ độc đáo.
Đến thế kỉ thứ VII, Phù Nam suy yếu, bị Chân Lạp thôn tính và bị sáp nhập vào Chân Lạp. Thêm vào đó, trận “đại hồng thủy” đã khiến Chân Lạp bị chia thành hai nước: Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp. Nước Thủy Chân Lạp chia thành 5 công quốc, quan trọng nhất là công quốc Aninditapura bao trùm phần đất Nam Bộ nước ta ngày nay. Trong đó, Sài Gòn là vùng đất thuộc Nam Bộ gồm hai khu vực: Kampong Krâbei, tức Bến Nghé – nội thành Sài Gòn ngày nay (tương truyền, ngày xưa vùng đất này vốn là đầm lầy, có rất nhiều cá sấu, vì tiếng sấu kêu giống như là tiếng nghé ọ nên người dân gọi đây là Bến Nghé) và Prei Nokor, tức Sài Gòn – Chợ Lớn ngày nay (Prei Nokor nghĩa là “Rừng cây gòn”, người Hoa phiên âm thành Sài Côn, người Việt đọc thành Sài Gòn).
1. Tiến về vùng rừng rậm hoang vu:
Vào các thế kỉ XVI – XVII, do chiến tranh giữa các thế lực phong kiến ở phía Bắc, do sưu cao, thuế nặng, mất mùa, đói kém,… một bộ phận người Việt từ một số tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn,…đã dắt díu nhau đi về phía Nam tìm cuộc sống mới. Họ đã dùng thuyền nhỏ, men theo bờ biển, đi vào các con sông đế đến vùng Nam Bộ. Khi ấy, vùng đất Nam Bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng chỉ là một vùng đất hoang phế, lầy lội, kênh rạch chằng chịt, rừng rậm hoang vu, với những cây cổ thụ xanh um, lau sậy trắng xóa, đầy thú dữ (cọp, cá sấu, trâu rừng, rắn…).
Năm 1658, sau khi thua trận và bị bắt trong cuộc chiến tranh giữa Chân Lạp và lực lượng của chúa Nguyễn, vua Chân Lạp đã nhường cho chúa Nguyễn vùng đất Nam Bộ ngày nay. Kể từ đây, vùng đất này, trong đó có Sài Gòn đã là của Việt Nam.
Bước sang đầu thế kỉ XVII, các chúa Nguyễn đã đưa người vào khai phá vùng đất phía Nam.
2. Vùng đất Sài Gòn sau gần một thế kỉ khai khẩn:
Sau gần một thế kỉ khai khẩn, người Việt đã biến vùng đất hoang sơ trước kia thành một nơi dân cư đông đúc, ruộng đồng trù phú, vườn tược xanh tươi, các nghề thủ công (dệt, rèn, gốm, xay xát lúa…) phát triển, các làng xóm được dựng thêm, nhà cửa mọc lên san sát. Sài Gòn trở thành chốn đô hội với hoạt động buôn bán tấp nập.
Năm 1679, chúa Nguyễn cho lập đồn dinh ở Sài Gòn, đặt các chức quan cai bộ, kí lục cai quản.
Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đi kinh lược vùng đất Nam Bộ, đặt phủ Gia Định, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, cử quan lại đến cai trị. Sau sự kiện này, vùng đất Sài Gòn – Gia Định xem như đã trở thành một đơn vị hành chính của nước ta.
3. Vùng đất Sài Gòn dưới thời Nguyễn và thời thuộc Pháp:
Từ năm 1776 đến 1788, cả chúa Nguyễn và Tây Sơn đều nhận thức được vị trí, tầm quan trọng về kinh tế, chính trị của Sài Gòn và cả Nam Bộ nên cả hai phe đều cố tranh lấy Sài Gòn cho kì được.
Năm 1788, Nguyễn Ánh chiếm được Sài Gòn. Năm 1790, ông đã nhanh chóng biến Sài Gòn thành Gia Định kinh, xây thành Bát Quái để làm căn cứ chống quân Tây Sơn.
Năm 1802, triều Nguyễn được thành lập. Năm 1808, vua Gia Long chia nước thành hai đơn vị hành chính lớn: Bắc thành và Gia Định thành. Gia Định thành gồm 5 trấn, trong đó có Phiên An trấn (Sài Gòn). Năm 1832, vua Minh Mạng đổi Gia Định thành gồm năm trấn cũ thành 6 tỉnh, gọi là Lục tỉnh Nam kì gồm: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, Hà Tiên, An Giang.
Năm 1833, tỉnh Phiên An được đổi thành tỉnh Gia Định. Tỉnh Gia Định lúc ấy diện tích khá rộng, bao trùm cả một vùng gồm: Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Giuộc, Tây Ninh, Tân An (tức thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Ninh, Long An hiện nay). Thành Bát Quái được xây lại gọi là thành Gia Định.
Sau khi nuốt trọn Lục tỉnh Nam kì, từ năm 1876, thực dân Pháp chia Nam kì thành 20 địa hạt. Đến năm 1899, địa hạt được đổi thành tỉnh. Gia Định (tức Sài Gòn) tách khỏi Chợ Lớn, Cần Giuộc, Tây Ninh, Tân An và là một trong 20 tỉnh của Nam kì.
4. Vùng đất Sài Gòn từ sau 1954 đến nay:
Năm 1956, tỉnh Gia Định sáp nhập với tỉnh Chợ Lớn với tên mới là Đô Thành Sài Gòn.
Năm 1976, thành phố Sài Gòn được đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh.
Qua nhiều lần thay đổi địa giới, vùng đất Sài Gòn – Gia Định nay là thành phố Hồ Chí Minh bao gồm cả vùng Sài Gòn – Chợ Lớn xưa. Về vị trí địa lý, Sài Gòn nay phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh, Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang.
Như vậy, kể từ khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh phụng mệnh chúa Nguyễn vào kinh lý vùng đất Nam Bộ, hơn 300 năm đã trôi qua, vùng Gia Định trước kia trở thành Sài Gòn rồi thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Trong quá trình hình thành và phát triển, Sài Gòn – Gia Định trở thành trung tâm kinh tế lớn của vùng đất Nam Bộ. Do những yếu tố chiến lược về mặt kinh tế và vị trí địa lí, trước họa xâm lược của các thế lực bên ngoài, Sài Gòn – Gia Định đã từng đứng trước thử thách mất còn của vận nước. Đặc biệt, kể từ khi thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên vào Sài Gòn – Gia Định (17-2-1859), thực hiện dã tâm xâm lược nước ta, vùng đất nơi đây đã sản sinh ra những con người dám gánh trên vai vận nước, quyết chống xâm lăng để giành độc lập dân tộc.