Tên gốc tiếng Anh của phương pháp Dạy học dự án là Project based learning, còn gọi là Dạy học dựa trên dự án, Dạy học tiếp cận dự án. Đây là một phương pháp dạy học dựa trên cơ sở đề cao tính tự quyết, tự hoạt động, khả năng sáng tạo và kỹ năng làm việc nhóm của học sinh.
Dạy học theo dự án là một phương pháp dạy học còn khá mới mẻ nhưng có sức thuyết phục và khả thi cao. Năm 2003, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành thí điểm phương pháp này ở 9 tỉnh thành trên cả nước. Hiện nay, dạy học dự án đang được nhiều giáo viên đặc biệt quan tâm.
Được sự đồng ý của Ban giám hiệu trường Trung học Thực hành Sài Gòn, nhóm giáo viên Ngữ Văn khối 11 đã thực hiện thành công hình thức dạy học “Mở rộng không gian lớp học” và phương pháp “Dạy học dự án” cho hai bài Tác gia Nguyễn Đình Chiểu và “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”.
Tiến độ thực hiện như sau:
- Tuần lễ trước ngày đi tham quan học tập, học sinh đã được giáo viên giao yêu cầu cần học tập và gợi ý các đề tài cho dự án xoay quanh chủ đề “Sức sống của Nguyễn Đình Chiểu trong cuộc đời và trong văn học Việt Nam” cho học sinh lựa chọn và thực hiện.
Có 5 đề tài được giáo viên gợi ý cho các nhóm học tập theo dự án:
1. Nguyễn Đình Chiểu – người con đất Nam Bộ
2. Bài học nhân sinh từ cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu
3. Nguyễn Đình Chiểu – trang đời và trang sách
4. Dấu ấn của Nguyễn Đình Chiểu trong cuộc sống
5. Nguyễn Đình Chiểu và những sáng tác bất hủ
- Trong 159 học sinh của 4 lớp 11, đã có 30 học sinh xung phong tham gia, hình thành 6 nhóm học tập, chọn làm việc theo 5 đề tài trên. 6 nhóm này đã chủ động chọn và đăng ký những hình thức sản phẩm học tập thật ấn tượng: Tờ rơi, Video clip, Công trình nghiên cứu, Báo ảnh, Báo tường…
Các em cũng chọn cho mình những tên nhóm rất cá tính:
11A1: nhóm Sài Gòn ngóng gió đông và nhóm Sài Gòn ngất ngưởng
11A2: nhóm Phô mai
11A3: nhóm Cây bút nhỏ
11A4: nhóm Dấu chấm than và nhóm 25H
- Sau khi hình thành các nhóm, mỗi nhóm gồm 5 thành viên, các em bắt tay vào dự án bằng nhiều hoạt động, nhiều hình thức khác nhau. Sở trường và sở thích, năng khiếu cá nhân được dịp thể hiện, được dịp khoe tài: các cây bút giỏi Văn tất tả tìm đọc tài liệu trên mạng, đi thư viện trường, thư viện Quốc gia để tìm thêm sách nghiên cứu và tạp chí..; các bạn năng động và giỏi máy ảnh, máy tính, kỹ thuật quay nhanh chóng hình thành ý tưởng và chuẩn bị phương tiện: máy tính, máy quay phim, máy tính bảng, điện thoại di động..; các bạn làm báo báo tường và báo ảnh đi nhà sách mua giấy, bút, tập lưu ảnh…; các bạn lên kịch bản dựng phim, các bạn viết dàn bài nghiên cứu,… Các em đã thật sự nôn nóng được “mục sở thị” những điều các em đã sớm tìm hiểu qua các phương tiện thông tin.
- Ngày 13/10/2013, học sinh khối 11 của trường đã được đi tham quan học tập tại 3 di tích lịch sử Quốc gia: Lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), Đền thờ Nguyễn Thị Định (Bến Tre) và chùa Tôn Thạnh (Long An).
- Từ ngày 14/10 đến ngày 18/10/2013, sau chuyến đi học tập thực tế, dưới sự hướng dẫn của hai giáo viên Văn khối 11, các nhóm dự án đã làm việc thật nghiêm túc và nhiệt tình để nhanh chóng hoàn thành các sản phẩm học tập.
- Tiết 4, 5 ngày Thứ Bảy, 19/10/2013, tại hội trường, 6 nhóm đã lần lượt trình bày các sản phẩm của mình dưới hình thức trưng bày sản phẩm kết hợp thuyết minh và trình chiếu powerpoint. Sản phẩm là thành quả của sự lao động nghiêm túc của mỗi cá nhân đồng thời phản ánh sự hợp tác và phối hợp rất ăn ý của từng thành viên trong các nhóm. Đại diện các nhóm tự tin trình bày sản phẩm – “đứa con tinh thần” của mình trước sự chứng kiến của các thầy cô trong Ban Giám hiệu, tổ Ngữ văn và toàn thể học sinh lớp 11. Các phần trình bày gồm:
Giới thiệu bài nghiên cứu: Nguyễn Đình Chiểu – Người con đất Nam Bộ (Nhóm Cây bút nhỏ)
Giới thiệu tờ rơi Nguyễn Đình Chiểu và những sáng tác bất hủ (Nhóm Sài gòn ngất ngưởng)
Giới thiệu bài nghiên cứu: Bài học nhân sinh từ cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu (Nhóm Dấu chấm than)
Giới thiệu Tập Báo ảnh Nguyễn Đình Chiểu – Người con đất Nam Bộ.
Giới thiệu Tập báo Nguyễn Đình Chiểu – Trang đời và trang sách
Giới thiệu Video clip Dấu ấn của Nguyễn Đình Chiểu trong cuộc sống.
Đặc biệt, theo yêu cầu của ban tổ chức mặc dù rất gấp nhưng một thành viên của nhóm Dấu chấm than cũng kịp trình làng video clip “Nhật ký hành trình” mở đầu cho buổi sinh hoạt chuyên đề.
Ban tổ chức cùng các thầy cô tham dự bất ngờ khi phát hiện ra học sinh lớp 11 còn nhiều tài năng tiềm ẩn như: giọng đọc truyền cảm, hát hay…Chính những tiết mục văn nghệ sôi nổi, trẻ trung nhưng rất mộc mạc của các bạn học sinh góp phần làm cho buổi sinh hoạt chuyên đề thật vui và gây ấn tượng với khán giả.
Thay mặt nhóm Ngữ Văn 11, cô Bùi Mỹ Hạnh đã tổng kết và ghi nhận những kết quả đạt được như sau:
Đối với giáo viên: đổi mới phương pháp, kết hợp mở rộng không gian lớp học và dạy học dự án, kích thích được sự say mê học tập và sáng tạo trong học sinh.
Đối với học sinh: tinh thần làm việc nhóm, khả năng tư duy sáng tạo, khả năng suy nghĩ độc lập và giải quyết các vấn đề, sở trường và và năng lực cá nhân có cơ hội được thể hiện…
Các sản phẩm học tập mà Ban tổ chức nhận được gồm có: 6 sản phẩm của 6 nhóm, 129 bài thu hoạch cá nhân của tất cả học sinh khối 11 và 2 bài thu hoạch của 2 nhóm học sinh làm đề tài tại thành phố Hồ Chí Minh.
100% học sinh tham gia học tập tích cực và có sản phẩm học tập hoặc bài thu hoạch cho mình với chất lượng Khá và Tốt.
Các em học sinh làm bài tập cá nhân đã gửi đến Ban tổ chức những suy nghĩ chân thành, xúc động:
“…Sự thật là sau chuyến đi ngoại khóa này, có một khoảng trống trong em được lấp đầy. Em không nghĩ rằng những hành động dũng cảm ấy là thật, những hành động ấy chỉ có trên phim ảnh, sách báo và lý thuyết suông. Nhưng em đã lầm, những người nghĩa sĩ Cần Giuộc ấy thật quả cảm. Họ đã làm em nhận ra một triết lý sống rất thường tình mà có lẽ ai cũng biết: chết vinh hơn sống nhục…” (học sinh lớp 11A1)
“…Những ngày tháng Cụ ở chùa Tôn Thạnh dạy học, bốc thuốc, sáng tác văn chương và chỉ đạo khởi nghĩa…Cái Cụ nhận được là một bia đá nhỏ trong chùa Tôn Thạnh. …Tấm bia đá nhỏ ấy không mang giá trị vật chất mà ẩn chứa những tình cảm, sự tôn thờ, đồng cảm của toàn con dân miền Nam và cả thế hệ mai sau. Hình ảnh của Cụ là một tấm gương ngời sáng, để người Nam Bộ tự hào rằng mảnh đất đã sinh ra một hiền tài cho đất nước, tự hào khi nhắc đến văn học Nam Bộ gắn liền với tên tuổi Nguyễn Đình Chiểu …” (học sinh lớp 11A2)
“… Một ngôi chùa của lịch sử, đã là nhân chứng cho biết bao sự việc xảy ra trong quá khứ, từ thời chiến cho đến thời bình. Nơi đây đã sinh ra bài văn tế nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu. Đến nơi này, em chợt nghĩ, có lẽ, trong khi nhân dân đang chiến đấu với bọn lang sa ngoài kia thì nơi mái chùa tôn nghiêm bình yên này, cụ Đồ Chiểu đã quá xúc động…” (học sinh lớp 11A3)
“…tấm gương Nguyễn Đình Chiểu đã đi vào sử sách, vào lòng người không chỉ vì thơ văn mà còn vì nhân cách thanh cao đức độ và tấm lòng yêu nước nồng nàn của ông. Qua chuyến đi viếng lăng mộ của ông, đọng lại trong em là cảm xúc tự hào, biết ơn, kính trọng…” (học sinh lớp 11A4)
Điều quan trọng là sau dự án học tập này, quan hệ Thầy trò, quan hệ bạn bè ngày thêm cởi mở và gắn bó. Mỗi học sinh sau khi làm việc dự án, các em đã thấy mình trưởng thành hơn, tự tin hơn vào những năng lực của bản thân mà đôi khi ngày thường các em vô tình khuất lấp.
Dự án kết thúc, bài học này trong sách giáo khoa khép lại, nhưng những trang sách khác và những bài học từ cuộc sống vẫn không ngừng mở ra để thử thách trí tuệ và niềm khao khát làm chủ kiến thức của học sinh. Thực tiễn ấy luôn yêu cầu người giáo viên không ngừng đổi mới, không ngừng học tập và áp dụng và đổi mới phương pháp sao cho chất lượng chuyên môn được truyền đạt tốt hơn, sao cho học sinh có được tình yêu đối với môn học của mình.
Nhóm Ngữ văn khối 11
Trường Trung học Thực hành Sài Gòn
SAU ĐÂY LÀ HÌNH ẢNH CỦA CÁC NHÓM DỰ ÁN
Nhóm Phô mai (11A2) với tập báo ảnh:
Nhóm Sài Gòn ngóng gió đông với Tập báo độc nhất vô nhị:
Nhóm Sài Gòn nhất ngưởng với những tờ rơi xinh xắn, ấn tượng:
Nhóm Cây bút nhỏ với bài nghiên cứuNhóm 25H (11A4) với video clip độc đáo:
Nhóm 25H (11A4) với video clip độc đáo:
Nhóm Dấu chấm than (11A4) với bài nghiên cứu
Buổi báo cáo thuyết phục, gây được sự hào hứng cho cán bộ, giáo viên và học sinh: